Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tương đối dồi dào, đáp ứng đủ tiêu dùng của người dân, giá cả các mặt hàng không có biến động lớn. Một số mặt hàng như lương thực, rau hoa quả, thép xây dựng, đường... giảm nhẹ; các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng Tết tăng nhẹ. Hàng tiêu dùng tăng nhẹ Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản xuất lúa cả năm 2011 đạt 42,032 triệu tấn, tăng 2,036 triệu tấn so với năm 2010 nên nguồn cung đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sau khi tăng nhẹ từ tháng 8 đến tháng 11 do ảnh hưởng của mưa lũ, thời gian gần đây, giá lúa đã giảm nhẹ, một phần do nguồn cung khá dồi dào, phần khác do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu gạo thế giới trầm lắng. Hiện giá lúa tẻ thường ở phía Bắc phổ biến ở mức 7.000-7.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg và gạo tẻ thường ở mức 11.800-13.000 đồng/kg, giảm khoảng 200-1.000 đồng/kg. Ở phía Nam, lúa tẻ thường phổ biến ở mức 6.050-6.150 đồng/kg, giảm 200-700 đồng/kg và gạo tẻ thường từ 9.000-9.700 đồng/kg, giảm 700-1.000 đồng/kg. Dự báo, trong thời gian tới, giá lúa gạo thường trong nước ổn định hoặc có thể giảm nhẹ; giá các loại gạo chất lượng cao có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Cùng với nguồn cung lương thực dồi dào, thời gian gần đây, do vào chính vụ, nguồn cung các loại rau, củ, quả cũng khá phong phú, nên giá các mặt hàng này tại nhiều địa phương đã giảm nhẹ và ổn định so với tháng trước. Đối với thực phẩm, sau khi tăng giá nhẹ (5.000-10.000 đồng/kg) trong tháng 11 và đầu tháng 12, đến thời điểm này, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ở các địa phương nhìn chung ổn định, cân đối cung cầu các loại thịt sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hiện giá lợn hơi dao động ở mức 48.000-56.000 đồng/kg, thịt lợn mông sấn từ 80.000-100.000 đồng/kg; giá thịt bò dao động quanh mức 160.000-180.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg; giá thịt gà tăng 5.000 đồng/kg; giá các loại thủy hải sản tiếp tục ổn định. Cũng thời điểm này, tại các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại, hoạt động mua sắm chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối nhộn nhịp. Hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, nhưng giá cả một số mặt hàng như đậu xanh, miến dong, măng, mộc nhĩ, tôm khô, nấm hương tăng từ 10-15% so với Tết năm 2011. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá cả một số loại thực phẩm sẽ tăng, nhưng do nguồn cung được chuẩn bị, đặc biệt là tác động sâu rộng của chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương, trong đó nổi bật là Hà Nội và Thàh phố Hồ Chí Minh, nên giá sẽ không tăng mạnh. Đối với mặt hàng sữa, mặc dù trên thị trường thế giới giá sữa nguyên liệu tiếp tục giảm, nhưng giá sữa trong nước vẫn tăng cao. Một số hãng sữa ngoại đã tăng giá bán từ 8-9%. Cụ thể, sữa Mead Johnson tăng giá từ 18-19% (áp dụng cho 3/35 mặt hàng); Abbott tăng 9% (áp dụng cho 30/33 mặt hàng); Nestlé tăng từ 2-10% (áp dụng cho 5/20 mặt hàng). Theo các hãng sữa, nguyên nhân tăng giá do các yếu tố đầu vào như giá nhập khẩu tăng từ 1-9%, thuế nhập khẩu tăng từ 5-10% và các chi phí liên quan khác như tiền lương, tỷ giá, lãi vay ngân hàng tăng, nên việc tăng giá bán là điều khó tránh khỏi. Một trong những mặt hàng thiết yếu khác theo quy luật thường có xu hướng biến động giá trong những tháng cuối năm do nhu cầu phục vụ các ngành hàng chế biến thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống phục vụ các dịp lễ, tết là mặt hàng đường. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường trong nước hiện nay đã giảm so với tháng trước do đang vào chính vụ và theo xu hướng giảm giá của giá đường trên thị trường thế giới. Hiện giá đường kính trắng bán ra phổ biến ở mức 17.900-18.800 đồng/kg, giảm 1.100-1.400 đồng/kg; giá đường tinh luyện dao động ở mức từ 18.500-19.100 đồng/kg, giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg so với đầu tháng 12. Dự kiến, trong tháng, 38 nhà máy đường đi vào hoạt động với sản lượng trên 200.000 tấn, cộng với lượng đường tồn kho 61.000 tấn sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và giá có xu hướng tiếp tục giảm do vẫn đang ở chính vụ. Vật liệu xây dựng giảm Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép xây dựng trong tháng 12 đạt 420.000 tấn, tăng hơn 9% so với tháng trước, tiêu thụ 410.000 tấn (tương đương tháng trước). Tuy nhiên, do tình hình tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp lại chịu sức ép về việc hoàn thành kế hoạch sản xuất và kế hoạch tài chính trong tháng cuối năm nên tiếp tục giảm giá bán thông qua việc tăng chiết khấu, nhưng tồn kho thép tính đến hết tháng 12 lên đến 370.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá bán thép niêm yết tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã giảm nhẹ từ 160.000-360.000 đồng/tấn so với đầu tháng 12. Hiện giá bán thép xây dựng niêm yết tại các nhà máy chưa trừ chiết khấu, chưa có VAT phổ biến ở mức 16,15-16,35 triệu đồng/tấn ở miền Bắc và từ 16,32-17,14 triệu đồng/tấn ở miền Nam. Giá bán lẻ thép xây dựng tại nhiều địa phương cũng giảm theo từ 100.000-300.000 đồng/tấn, phổ biến ở mức từ 17,4-18,4 triệu đồng/tấn ở thị trường miền Bắc và từ 18,2-18,7 triệu đồng/tấn ở miền Nam. Cũng như mặt hàng thép, mặc dù sản xuất ximăng trong tháng 12 đạt 4,39 triệu tấn, tăng 6,8% so với tháng trước, nhưng tiêu thụ chỉ đạt 4,32 triệu tấn; tồn kho tính đến hết tháng 12 lên mức 0,68 triệu tấn, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, nhưng giá bán ximăng trong nước vẫn ổn định. Hiện giá bán ximăng tại các nhà máy phổ biến từ 1,25-1,27 triệu đồng/tấn (PCB 30); từ 1,28-1,56 triệu đồng/tấn (PCB 40). Giá bán lẻ ở các địa phương cũng ổn định ở mức từ 1,3-1,8 triệu đồng/tấn. Dự báo, thị trường vật liệu xây dựng vẫn chịu tác động của nhiều yếu tố như năm 2012 Chính phủ vẫn duy trì tăng trưởng GDP ở mức 6% và tiếp tục ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tỷ trọng đầu tư công sẽ giảm so với năm 2011, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi... Với những nhân tố tác động này, ngành ximăng và thép xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, tiêu thụ chậm, giá khó có thể tăng đột biến./.