Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn cung vẫn được đảm bảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/11 bên cạnh việc yêu cầu 12 cửa hàng xăng dầu (CHXD) dừng kinh doanh thì có đến hơn 300 cửa hàng phải tiến hành cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, vậy những cửa hàng này có phải dừng bán hàng khi cải tạo khiến nguồn cung cho Hà Nội không đảm bảo?

Nguồn cung vẫn được đảm bảo - Ảnh 1
Bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội (ảnh bên) về vấn đề này.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, việc 12 CHXD phải đóng cửa do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khiến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường gặp nhiều khó khăn, ông bình luận gì về ý kiến này?

- Hiện, Hà Nội có 441 CHXD, mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng vạn lít xăng, dầu các loại. Trong 12 cửa hàng phải dừng hoạt động, chỉ có 4 cửa hàng nằm trong khu vực nội thành là có sức tiêu thụ lớn.

Từ 1/11 đến nay, Sở Công Thương chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ các quận, huyện về việc thiếu hụt nguồn cung. Điều đó cho thấy việc đóng cửa những cửa hàng không ảnh hưởng nhiều đến mạng lưới cung ứng.

Có thông tin cho rằng, nếu chiếu theo các quy định do Bộ Công Thương vừa ban hành thì không chỉ có 12 cửa hàng phải dừng hoạt động mà số lượng lớn hơn rất nhiều?

- Nền kinh tế đang ngày càng phát triển nên cơ quan quản lý liên tục ra những quy định mới, tiêu chuẩn mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, do hệ thống CHXD của Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành, đều được xây dựng cách đây hàng chục năm khi chưa có quy chuẩn về xây dựng CHXD nên phân bố không đồng đều, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, gần giao lộ, hệ thống PCCC chưa đáp ứng được đầy đủ theo quy định mới. Chính vì vậy, UBND TP yêu cầu các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải nâng cấp, sửa chữa cho phù hợp với những quy định mới chứ không phải toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu của Hà Nội không đáp ứng được tiêu chí bắt buộc mà Bộ Công Thương mới ban hành. 
 
Mặc dù đang trong giai đoạn cải tạo sửa chữa, nhưng cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo vẫn đảm bảo nguồn cung để ổn định thị trường.     Ảnh: hoài nam
Mặc dù đang trong giai đoạn cải tạo sửa chữa, nhưng cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo vẫn đảm bảo nguồn cung để ổn định thị trường. Ảnh: Hoài Nam
 
Để hạn chế đến mức tối đa việc nhiều cửa hàng sẽ phải đóng cửa nếu áp đúng tiêu chuẩn, Hà Nội đã đề xuất những cơ chế đặc thù. Vậy, lý do nào khiến Hà Nội phải có đề xuất này, thưa ông?

- Việc Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan là do nếu chiếu theo tiêu chuẩn cũ thì những cửa hàng này đủ điều kiện hoạt động. Thế nhưng khi áp dụng tiêu chuẩn mới, trong điều kiện của nội thành Hà Nội đất chật thì không đảm bảo. Bên cạnh đó cũng có những tiêu chuẩn rất khó thực hiện như diện tích cửa hàng phải rộng 300m2. Thực tế kiểm tra cho thấy, đa số các CHXD, nhất là trong nội thành đều có diện tích nhỏ hẹp (dưới 300m2) và không còn đất để mở rộng cải tạo. Hay tiêu chuẩn về chỉ giới đường giao thông, ngày trước đường sá nhỏ hẹp, giờ được mở rộng nên vỉa hè có khi sát vào cửa hàng khiến những điểm kinh doanh này không đáp ứng tiêu chí mới…

Chính vì vậy, liên ngành cũng đã báo cáo và UBND TP Hà Nội cũng đã đề xuất để xin cơ chế đặc thù cho hệ thống xăng dầu Hà Nội.

Kết quả kiểm tra của lực lượng liên ngành cho thấy có đến 355 CHXD phải  cải tạo, vậy những cửa hàng này có buộc phải dừng kinh doanh trong quá trình cải tạo hay không ?

- Việc nâng cấp cơ sở vật chất hơn 300 CHXD không có nghĩa là những cửa hàng này buộc phải dừng kinh doanh trong quá trình nâng cấp, cải tạo. Lý do là phải căn cứ vào tình hình thực tế nếu việc sửa chữa có liên quan đến PCCC, trang thiết bị kinh doanh như: Cột bơm, bể chứa thì phải dừng kinh doanh. Nếu chỉ sửa chữa nhỏ, Sở Công Thương và Sở Cảnh sát PCCC sẽ hướng dẫn sao cho vừa bán hàng vừa nâng cấp cơ sở vật chất. Như vậy một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu chỉ phải cải tạo một vài hạng mục nhỏ như: Kiến trúc mặt ngoài, đường ống nước thải, đường ra vào cho xe… phù hợp với quy định mới là có thể đảm bảo kinh doanh.

Riêng đối với những cửa hàng có mức tiêu thụ lớn, có ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung ứng cho thị trường, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp quản lý phải có kế hoạch cụ thể  báo cáo với Sở Công Thương, Sở Cảnh sát PCCC theo hướng đảm bảo kinh doanh trong quá trình sửa chữa. Qua đó đáp ứng được nguồn cung cho thị trường. 

Xin cảm ơn ông!