Khi vốn vay "lên rừng xuống biển"
Gặp chị Nguyễn Thị Mích (thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) trong những ngày đầu năm 2013, chị tự hào khoe về 3 cậu con trai vừa học xong đại học và đã có việc làm ổn định nhờ vốn chính sách HSSV. Chị kể, ngoài 5 sào ruộng khoán, gia đình chị không có tài sản nào đáng kể. Năm đầu tiên, cậu con trai cả Nguyễn Tiến Dũng đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội, hai vợ chồng còn cáng đáng được. Nhưng đến khi hai cậu em trai sinh đôi cùng đỗ vào Học viện Quan hệ Quốc tế và ĐH Ngoại Thương thì bài toán kinh phí cho con đi học thực sự làm gia đình chị hoang mang. "Năm 2007 bắt đầu có Chương trình tín dụng HSSV, các chị trong Hội Nông dân đã hướng dẫn gia đình làm hồ sơ. Cầm 12 triệu đồng của kỳ giải ngân đầu tiên, tôi mừng lắm" - chị Mích nhớ lại. Lúc cao điểm, dư nợ gia đình chị lên tới 91 triệu đồng, nhưng đến nay, nhà chị đã gần như trả hết. Hiện, cả ba con trai chị đã ra trường và có việc làm ổn định.
Làm thủ tục cho vay đối với sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trần Việt
Sinh viên ĐH Huế Nguyễn Thị Thùy Linh đã mang đến Hội nghị Tổng kết 5 năm tín dụng HSSV câu chuyện nhiều nước mắt nhưng cũng đầy niềm vui của em. 22 năm mất bố, 15 năm vĩnh biệt mẹ, cô bé mồ côi ấy có lúc tưởng dang dở ước mơ vì gia đình bố mẹ nuôi cũng còn nhiều vất vả, nhọc nhằn. Nhờ nguồn vốn chính sách từ NHC SXH Thừa Thiên Huế, đã giúp em bước tiếp con đường đến trường thực hiện ước mơ.Theo số liệu của NHCSXH Việt Nam, đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Dư nợ đến 31/12/2012 là 35.802 tỷ đồng. Từ năm 2007 - 2012, chương trình đã cho hơn 3 triệu lượt HSSV vay vốn. Đến nay, đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học.
Vẫn đau đầu vì vốn
Tại Hội nghị tổng kết, nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của các đối tượng được thụ hưởng vẫn là một bài toàn khó. Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc NHNC SXH Chi nhánh Hà Nội cho biết, nguồn vốn cho vay của chương trình có thời điểm còn chưa đáp ứng kịp thời so với nhu cầu cần vay vốn của HSSV. Các địa phương khác như Thái Nguyên, Phú Thọ… cũng trong tình trạng có lúc vốn không đáp ứng kịp nhu cầu vay của người dân.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong nhiều năm qua, dù khó khăn, Chính phủ đã cố gắng đảm bảo về vốn. "Dù có thời điểm khó khăn nhưng Chính phủ đã có các biện pháp tháo gỡ kịp thời, phù hợp như yêu cầu các trường ĐH chưa thu học phí của HSSV nghèo vào đầu năm" - Phó Thủ tướng cho biết. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, dù khó khăn, nhưng năm 2012, NHNN đã kêu gọi các tổ chức hưởng ứng duy trì mức tiền gửi 2% tại NHCSXH. "Nếu các nguồn như tiền gửi từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ… vẫn chưa đủ, NHNN sẵn sàng góp vốn" - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Trước ý kiến về việc nâng hạn mức và mở rộng đối tượng cho vay, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đây là ý kiến đúng và phù hợp với thực tế nhưng nguồn vốn có hạn nên cần cân đối để có kế hoạch cụ thể.
Theo số liệu mới nhất, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình tín dụng HSSV (2007 - 2012), tổng nguồn vốn cho vay chương trình HSSV trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 1.107 tỷ đồng; doanh số cho vay đến 31/8/2012 đạt 1.317 tỷ đồng; tổng dư nợ là 1.022 tỷ đồng với 71.027 HSSV vay vốn, số hộ gia đình có dư nợ chương trình tín dụng HSSV là 60.476 hộ. |