Chiều 8/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó bão số 7. Tham dự cuộc họp có đại diện một số bộ ngành và 9 tỉnh, TP dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Khả năng xuất hiện bão số 8
Thông tin tại cuộc họp chiều 8/10, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão số 7 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía Nam Đông Nam.Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km.
Dự kiến đến 13 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ngay trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ.
Đáng chú ý, thông tin cảnh báo xa hơn theo Văn bản số 453/VPTT phát đi chiều 8/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, khoảng ngày 12 - 13/10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1 cơn bão khác. Với diễn biến phức tạp của bão số 7 hiện nay, không loại trừ khả năng “bão chồng bão”.
Do ảnh hưởng của bão số 7, từ ngày 9 - 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; ở phía Tây Bắc Bộ 50-100mm, có nơi trên 150mm; ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Trị và Quảng Ngãi lên mức báo động báo động (BĐ)1-BĐ2, có sông trên mức BĐ2; các sông ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum lên mức BĐ1 và trên mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum.
Ứng phó phù hợp với diễn biến bão
Trước diễn biễn bão số 7 và nguy cơ từ bão số 8, tại cuộc họp chiều 8/10, 9 tỉnh, TP tham dự đã yêu cầu toàn bộ các huyện cùng dự, lắng nghe thông tin và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương về các giải pháp ứng phó. Từ đó xây dựng phương án và triển khai ứng phó phù hợp với tình hình mỗi địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, toàn bộ tàu thuyền trên biển đã vào đến nơi tránh trú an toàn. Địa phương cũng đã hoàn thành thu hoạch lúa, rau màu vụ Mùa. Các phương án tiêu úng cho sản xuất vụ Thu Đông đang được rốt ráo triển khai. “Hiện nay, tỉnh đã xây dựng kịch bản cụ thể với từng cấp độ để chủ động ứng phó với bão số 7…” - ông Tùng cho biết thêm.
Trong khi đó tại tỉnh Nam Định, địa phương đã sẵn sàng phương án di dời người dân, tập trung tại 3 huyện dự kiến bão số 7 ảnh hưởng trực tiếp. Các địa điểm di dời được địa phương bố trí cụ thể, bảo đảm các yếu tố “4 tại chỗ” và 5K để phòng, chống dịch Covid-19.
“Hiện, chúng tôi đã lên kế hoạch để sẵn sàng test Covid-19 cho hơn 50.000 người dân thuộc diện cần di dời khi bão số 7 đổ bộ. Cơ bản các điều kiện ở nơi đến tránh trú bão đã được các huyện bố trí đầy đủ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng thông tin tại cuộc họp.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết đường đi của bão số 7 hiện rất phức tạp. Do đó, việc bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển là nhiệm vụ trọng tâm. Các địa phương tạo điều kiện cho ngư dân và tàu thuyền của các địa phương khác vào bờ trên cơ sở bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch.
Các địa phương cần tập trung rà soát đến từng hộ dân đang sinh sống ven biển. Sẵn sàng phương án di dời người dân thuộc các tỉnh, TP có nguy cơ cao bị ảnh hưởng khi bão số 7 đổ bộ, nhưng trên tinh thần là sơ tán ở mức độ phù hợp, sát với diễn biến.
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương vận động, hướng dẫn người dân thu hoạch cây trồng vụ Mùa; chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là tiêu úng cho cây trồng, bảo vệ vật nuôi. Bên cạnh đó, khần trương kiểm tra, rà soát các khu vực ngầm tràn, đường giao thông, bảo đảm an toàn đi lại cho người dân khi xảy ra mưa lớn…
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), ngày 8/10, địa phương ghi nhận 1 trường hợp mất tích do bị lũ cuốn trôi (bà Hồ Thị Chín, sinh năm 1956). Hiện chính quyền các cấp đang tích cực tổ chức tìm kiếm nạn nhân. |