Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ bất ổn nếu Scotland tách khỏi Anh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của về nền độc lập của Scotland, dự kiến vào ngày 18/9 tới.

Việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ tạo ra những thách thức và tác động không nhỏ tới các thị trường.

Đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của về nền độc lập của Scotland, dự kiến vào ngày 18/9 tới.

Phát biểu ngày 11/9 tại Washington (Mỹ), người phát ngôn IMF, ông Bill Murray, nêu rõ việc cử tri Scotland ủng hộ việc tách vùng đất này khỏi Vương quốc Anh để thành lập một quốc gia độc lập sẽ kéo theo những tác động tiêu cực, mà trước tiên đó là sự bất ổn trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống tiền tệ, tài chính và tài khóa mới hoàn toàn khác biệt tại đây.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Getty images)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Getty images)
Sự kiện này sẽ tạo ra những vấn đề phức tạp và quan trọng, đòi hỏi các bên phải thương lượng.

Hệ lụy tiếp theo là các thị trường sẽ phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, trong khi triển vọng ổn định dài hạn sẽ phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra trong giai đoạn chuyển đổi.

Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất về cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland tới đây cho thấy tỷ lệ cử tri muốn vùng đất này tiếp tục là một xứ của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland hiện cao hơn 6% so với tỷ lệ ủng hộ Scotland tách ra độc lập, tỷ lệ tương ứng là 47,6%-42,4%, trong khi có 10% số cử tri còn do dự về lựa chọn của mình.

Kết quả cuộc thăm dò này, do Cơ quan nghiên cứu thị trường Survation thực hiện, có ý nghĩa khích lệ quan trọng đối với cuộc vận động "nói không với độc lập," sau khi lãnh đạo cả ba chính đảng lớn ở Anh, gồm Thủ tướng David Cameron, thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband và Phó Thủ tướng Nick Clegg đều đã tới Scotland trong ngày 10/9 để vận động cử tri Scotland bỏ phiếu từ chối độc lập.

Cuộc thăm dò của Survation cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ độc lập cao hơn tại Tây Scotland, chủ yếu ở thành phố Glasgow, và miền Trung Scotland, song thấp hơn tại tất cả các vùng còn lại của xứ này.

Kết quả một cuộc thăm dò khác do tạp chí Giáo dục Cao học Times Higher Education (THE) thực hiện cũng cho thấy đa số những người làm việc tại các trường đại học ở Scotland tin rằng ở lại Anh sẽ tốt hơn cho hệ thống giáo dục cao học của Scotland.

Trong số hơn 1.000 học giả và giảng viên các trường đại học tại Scotland tham gia cuộc thăm dò này, có 54,8% khẳng định họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ ở lại Anh, trong khi tỷ lệ dự định bỏ phiếu ủng hộ độc lập là 41,2% và số còn lại chưa quyết định. Có 55% những người được hỏi tin rằng ở lại Anh là kết quả tốt nhất cho các trường đại học của Scotland, trong khi chỉ có 30,2% nói rằng độc lập sẽ tốt hơn cho hệ thống giáo dục cao học của xứ này.

Vào ngày 18/9 tới, Scotland sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập và xứ này sẽ tách khỏi thành phần Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nếu có 50% +1 cử tri Scotland bỏ phiếu thuận.

Scotland chiếm 1/3 diện tích đất liền ở Anh và là nơi đặt hệ thống tên lửa đánh chặn Trident nổi tiếng của nước này.