Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù số ca mắc sốt huyết huyết (SXH) năm nay giảm mạnh so với năm 2017, song không ít gia đình cả nhà đều mắc SXH. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, các yếu tố nguy cơ để dịch SXH bùng phát ở Thủ đô như mật độ dân cư cao, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn tạm bợ… vẫn luôn hiện hữu. Theo nhận định, dịch bệnh này có thể gia tăng trong các tháng cuối năm 2018.

 Phun hóa chất phòng sốt xuất huyết tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hà Ngân
Cả nhà mắc sốt xuất huyết

Sau khi 4 người trong nhà lần lượt mắc SXH, đến nay, gia đình bà L. (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) vẫn không khỏi lo lắng. Là người mắc đầu tiên, sau đó không lâu đến lượt con gái và cháu ngoại sống cùng nhà lại mắc SXH. Bản thân chưa hồi phục sức khỏe, đang chăm cháu trong viện thì bà L. lại hốt hoảng khi nghe tin chồng bà vừa vào công tác Đà Nẵng được 2 ngày cũng phải nhập viện điều trị SXH. Nặng nhất là con gái bà L., mắc SXH lần thứ 2 nên sức khỏe của chị giảm đi rõ rệt. Tương tự, tại khu tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy), không ít trường hợp đã ghi nhận mắc SXH. Có vợ đang nằm điều trị SXH tại BV E, anh Lê Văn H. cho biết, trước khi vợ anh mắc, xung quanh hàng xóm đã có vài ba trường hợp mắc SXH, người đầu tiên mắc đợt này là bảo vệ của bãi gửi xe tập trung trong khu tập thể, nơi có rất nhiều người qua lại hàng ngày.

Khởi phát từ người con trai đang học đại học bị SXH, liên tiếp trong 2 tháng nay gia đình bà Nguyễn Thị H. (quận Nam Từ Liêm) đã có 3 người mắc SXH. Riêng bà H. do tiểu cầu xuống quá thấp nên đã phải vào viện nằm điều trị gần một tuần. Bà H. cho hay, mặc dù gia đình đã rất có ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy, tối đi ngủ mắc màn song không hiểu sao vẫn mắc bệnh. Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tính đến nay quận đã ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH với 9 ổ dịch. Trong đó, các phường Mễ Trì, Trung Văn, Phú Đô là những nơi ghi nhận số ca mắc SXH cao. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2018, toàn TP đã ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc SXH rải rác ở cả 30 quận, huyện, thị xã. Riêng các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy... có số mắc cao hơn các huyện ngoại thành.

Không để dịch chồng dịch

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để phòng dịch SXH, quận Nam Từ Liêm đã thực hiện 10 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng, thường xuyên giám sát các ổ dịch đang hoạt động, thu gom phế liệu diệt bọ gậy. “Quận đã chỉ đạo các phường có ổ dịch cần quyết liệt hơn việc yêu cầu người dân hợp tác trong phun hóa chất xử lý ổ dịch, đảm bảo tỷ lệ phun triệt để trên 90%, rà soát các công trình xây dựng, công trình công cộng để tổ chức diệt bọ gậy, đôn đốc hoạt động của cộng tác viên SXH tại cơ sở” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Đặc biệt chú trọng đến dịch SXH và tay chân miệng, không để xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch, bên cạnh hoạt động vệ sinh môi trường và phun hóa chất, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để tổ chức tổng vệ sinh, phòng chống các bệnh trong trường, lưu ý bệnh SXH ở tất cả các cấp học và bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến T.Ư, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân, tần suất giám sát 3 - 4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh.

Tuy nhiên, để việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh môi trường và xử lý khử trùng vật dụng sinh hoạt; diệt lăng quăng, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước; thực hiện tốt việc ăn sạch, uống sạch; đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.