Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ cháy, nổ từ thói quen tích trữ xăng, dầu

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, giá xăng, dầu trong nước giảm mạnh, dẫn đến người dân đổ xô đi mua xăng, dầu về tích trữ và sử dụng.

Cơ quan chức năng cảnh báo, việc tích trữ xăng, dầu tại hộ gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể xảy ra cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Không tồn chứa xăng, dầu trong khu vực dân cư

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH), nếu xăng, dầu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, rất dễ dẫn bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng, dầu ra ngoài tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp.
Tại các hộ gia đình, khu vực bảo quản xăng, dầu thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh và không có thiết bị điện chuyên dụng bảo đảm an toàn chống cháy, nổ. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa nắm rõ về tính chất cháy, nổ của xăng, dầu, dẫn đến, còn có tình trạng sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt gần khu vực tồn chứa xăng, dầu, có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân không nên tích trữ xăng, dầu, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Ảnh: Thanh Trì
Trước tình trạng mất an toàn về PCCC, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, thứ nhất, người dân chỉ mua xăng, dầu vừa đủ với nhu cầu sử dụng, không tích trữ tại nhà. Thứ hai, trường hợp hộ gia đình đã tích trữ xăng, dầu cần phải bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng, dầu trong khu vực có người ở.
Khu vực tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng, dầu. Có biện pháp ngăn xăng, dầu tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa, nguồn nhiệt. Các thiết bị điện trong khu vực chứa xăng, dầu phải bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa. Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng, dầu.
Thứ ba, trong trường hợp đã tích trữ số lượng lớn xăng, dầu và khi phát hiện nguy cơ cháy, nổ, phải nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng hoặc đơn vị kinh doanh xăng, dầu để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm giảm nguy cơ cháy, nổ.

Có thể bị xử lý hình sự

Ngày 6/5 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã phát đi khuyến cáo, người dân không nên tích trữ xăng, dầu, gây mất an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy, nổ. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, các trường hợp tích trữ xăng, dầu có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội), Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, hành vi găm xăng, dầu sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ.
Còn theo Điều 196 Bộ luật Hình sự, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có giá trị từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng nhằm bán lại để thu lời bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm; trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí bị phạt tù từ 7 - 15 năm.