KTĐT - Máy bay C-17 Globemaster được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, lính dù và thực hiện các sứ mệnh cứu trợ. Khối lượng vận chuyển của máy bay này lên tới 77 tấn, tăng 27 tấn so với máy bay vận tải IL-76 hiện có trong lực lượng không quân Ấn Độ.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, thỏa thuận của Ấn Độ mua 10 máy bay vận tải khổng lồ C-17 Globemaster của Mỹ có nguy cơ phá sản, mặc dù trước đó các phương tiện thông tin đại chúng Ấn Độ cho rằng thương vụ này sẽ được hoàn tất trước khi kết thúc tài khoá hiện nay (31/3).
Nguy cơ trên lộ rõ khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ yêu cầu cơ quan phụ trách vấn đề bán thiết bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của Mỹ công bố rõ giá bán loại máy bay này cho Ấn Độ là bao nhiêu và có khác so với bán cho các nước khác hay không.
Trước đó, tháng 4/2010, Hạ nghị viện Mỹ cho biết giá bán có thể ở mức 580 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barck Obama tới Ấn Độ tháng 11/2010, Nhà Trắng nói "hai bên đã đạt thỏa thuận sơ bộ" về giá bán 10 máy bay C-17 Globemaster là 4,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau đó ít ngày tập đoàn Boeing chế tạo máy bay khổng lồ này tuyên bố 410 triệu USD/chiếc là giá chưa bao gồm phụ tùng thay thế và các dịch vụ hỗ trợ, bảo dưỡng, và giá 580 triệu USD/chiếc là giá mua máy bay cùng tất cả các điều kiện kèm theo nói trên.
Trong khi đó, đầu tháng này, Cơ quan hợp tác an ninh của Bộ Quốc phòng Mỹ (DSCA) xác nhận với Quốc hội nước này rằng một chiếc C-17 Globemaster sắp được bán cho Ôxtrâylia với giá 300 triệu USD (trước đó Australia đã mua 4 chiếc loại này).
Khi biết có sự chênh lệch quá lớn như trên, Không quân Ấn Độ (IAF) đã tuyên bố thẳng thừng rằng họ không hài lòng về cách định giá "không thực tế" của phía Mỹ. Trước đó, IAF vẫn hy vọng tổng giá trị của hợp đồng này sẽ không vượt quá nhiều con số 3 tỷ USD.
Máy bay C-17 Globemaster được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, lính dù và thực hiện các sứ mệnh cứu trợ. Khối lượng vận chuyển của máy bay này lên tới 77 tấn, tăng 27 tấn so với máy bay vận tải IL-76 hiện có trong lực lượng không quân Ấn Độ./.