Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ đóng cửa nhiều ngành học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 5/10 là hạn cuối được rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 (NV3) vào các trường ĐH, CĐ và đến 10/10 là thời hạn kết thúc nộp hồ sơ theo qui định của Bộ GD&ĐT.

Nhưng hiện lượng hồ sơ nộp vào các trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập vẫn đếm trên đầu ngón tay. Nguy cơ đóng cửa nhiều ngành học đang hiện hữu.
 
Đìu hiu nguyện vọng 3
 
Đó là cụm từ đang được các trường nhắc đến nhiều bởi lượng thí sinh quá ít ỏi. Năm nay, ĐH Đà Lạt xét tuyển NV3 ở 22 ngành đào tạo với mức điểm chỉ bằng điểm sàn. Tuy nhiên, ngành nhận được nhiều hồ sơ nhất cũng chưa đạt nửa chỉ tiêu. ĐH Hà Tĩnh đến cuối tháng 9 cũng mới nhận được hơn 40 hồ sơ xét tuyển NV3 trong tổng số 180 chỉ tiêu. Thậm chí có trường còn khuyến khích thí sinh như ĐH Thành Tây: Thí sinh đủ điểm sàn đều được gọi nhập học. Theo thống kê của trường, mới có tổng cộng 151 hồ sơ xét tuyển NV3 vào trường trên tổng số 400 chỉ tiêu ĐH và 120 chỉ tiêu CĐ. Lãnh đạo trường ĐH Chu Văn An cho biết: Hiện nay trường mới nhận được gần 50% hồ sơ so với chỉ tiêu được giao, hi vọng tuyển được 70% chỉ tiêu là may mắn…
 
Nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng đìu hiu này: Nào là trong thời hạn xét tuyển NV3, có lẽ do các trường quá tập trung vào việc thu hút thí sinh, mà rất ít trường cập nhật công khai danh sách thí sinh ĐKXT NV3, phần nào gây khó khăn cho thí sinh trong việc theo dõi. Lãnh đạo nhiều trường thì cho rằng, nguồn tuyển hầu như không còn. Cùng với đó, nhiều trường ĐH công lập cũng tuyển NV3 với mức điểm bằng điểm sàn, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển của các trường ĐH ngoài công lập. Lại còn do tâm lý thí sinh muốn thi lại năm sau, không chọn ĐH ngoài công lập hoặc ĐH vùng vì ngại chất lượng đào tạo.
 
Điểm xét tuyển thấp chưa từng có
 
Có lẽ chưa bao giờ nhiều trường ĐH, CĐ công lập lại tham gia xét tuyển NV3 nhiều như năm nay (97 trường), cũng chưa bao giờ mức điểm xét tuyển lại thấp như năm nay và cũng chưa bao giờ chỉ tiêu xét tuyển NV3 thừa nhiều như năm nay. Thực tế, mức điểm trúng tuyển của nhiều trường hiện đã thấp đến mức không thể thấp hơn, không ít trường tận dụng qui chế điểm thưởng, nên thí sinh có tổng ba môn chỉ 7 điểm cũng có thể đỗ đại học. Hiện một số trường tính đến phương án vận động thí sinh chuyển sang ngành khác vì có quá ít thí sinh. Như ĐH Quy Nhơn, ngành Tâm lý giáo dục năm nay chỉ có 5 hồ sơ, trường vận động thí sinh chuyển học ngành khác để đóng cửa ngành này. Một số trường chọn giải pháp dừng xét tuyển NV3. Cán bộ tuyển sinh của những trường này đều chung quan điểm là có kéo dài thêm thời gian xét tuyển thì những ngành thiếu người học vẫn không sáng sủa hơn do nguồn tuyển đã cạn. Không ít trường còn chỉ tiêu đã xin hoán đổi các chỉ tiêu còn thiếu sang hệ CĐ, trung cấp hoặc liên thông.
 
Nhiều người trong ngành giáo dục cho rằng, việc các trường khó tuyển sinh trong khi nguồn tuyển theo tính toán của Bộ là không thiếu, đặt ra vấn đề về chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội. Bởi kinh nghiệm cho thấy, nếu cứ cố xin hạ điểm chuẩn, "xé rào" để tuyển đủ chỉ tiêu, đồng nghĩa chấp nhận giảm chất lượng đầu vào, kéo theo cả chất lượng đầu ra. Sau mùa tuyển sinh này, có lẽ các trường này cần phải cải tổ nhiều để lấy lại uy tín, nếu cứ đổ lỗi cho điểm sàn hay những yếu tố khách quan khác, thì không biết đến bao giờ trường mới được người học chấp nhận.