Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ mai một nghề thêu tay truyền thống

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín từng nổi tiếng với nghề thêu tay truyền thống.

Đã có một thời người dân cả làng, cả xã đều tập trung làm nghề. Vài năm trở lại đây do khó khăn về đầu ra nên nhiều gia đình phải bỏ nghề, đặc biệt là lớp trẻ hiện không còn mặn mà với nghề nữa.
Thêu thuê để... giữ nghề
Từ lâu xã Thắng lợi được coi là cái nôi của nghề thêu tay. Sản phẩm chủ yếu của làng là thêu các dòng tranh với chủ đề đa dạng từ tranh đồng quê, cây đa, bến nước, con đò… đến những bức tranh chân dung truyền thần. Tranh thêu  Thắng Lợi mang nét đặc trưng riêng, từ nét vẽ cho đến đường kim mũi chỉ đều toát lên vẻ điêu luyện. Vì vậy, dù có nhiều đổi thay, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng những bức tranh luôn chiếm được tình cảm của người tiêu dùng.
 Chị Dương Thị Huệ đang thêu tranh.
Nằm sát bên QL 1A, cơ sở thêu Hà Sơn có từ  5 – 6 thợ thêu đang miệt mài với công việc của mình. Hỏi chuyện mới biết tất cả họ đều là người làng Đào Xá đến đây thêu thuê cho cửa hàng. Cặm cụi nối những sợi chỉ đủ màu, chị Dương Thị Huệ tâm sự, người ta thường bảo nghề thêu là nghề nhàn hạ, “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng mấy ai biết rằng để hoàn thiện một bức tranh thêu  phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu rồi sau đó mới tiến hành thêu tỉa. Khi thêu ngoài sự khéo léo của đôi tay, người thợ cũng giống như một người họa sĩ, phải biết phối màu sao cho phù hợp và đường kim, mũi chỉ phải thật tinh xảo. “Cứ ngồi cặm cụi cả ngày thế này nhưng công cán cũng chẳng được là bao. Mà nghề này ngồi nhiều nên thường hay đau lưng, mỏi mắt cô ạ”  - chị Huệ giãi bày.
Hiện nay, những tay thợ thêu phổ thông thường được trả công từ 6.000 – 8.000 đồng/ giờ, thu nhập cả tháng chỉ được 2.000.000 - 3.000.000 đồng. Và đáng lo là, khoảng hơn 10 năm trở lại đây đầu ra cho sản phẩm thêu khá khó khăn, các chủ xưởng thêu phải cất công tìm kiếm khách hàng. Chính vì vậy chỉ có những cơ sở lớn mới đủ sức bám trụ lại với nghề.
Lớp trẻ thờ ơ với nghề
Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, xã có 11 thôn thì có 6 thôn được công nhận làng nghề thêu truyền thống. Trước đây, cả làng, cả xã ai cũng theo nghề và chọn nghề này để phát triển kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, làng nghề có nguy cơ mai một. Lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề. Nguyên nhân là do mang lại thu nhập thấp và không ổn định. Mặt khác hiện nay việc bán sản phẩm thêu rất khó khăn, vì thế thu nhập hàng tháng của người thợ thêu  thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh xuất hiện nhiều nhà máy, xí nghiệp, vì vậy nhiều thợ của làng đã bỏ nghề để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Để truyền nghề cho lớp trẻ và phát triển nghề truyền thống, chính quyền xã Thắng Lợi đã tạo mọi điều kiện cho người dân kinh doanh phát triển nghề, quảng bá sản phẩm. Hàng năm, xã mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề cho người dân. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ thanh niên theo học nghề rất thấp.
Trong nền kinh tế thị truờng hiện nay, một làng nghề thêu tranh như Thắng Lợi phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Để làm được việc đó cần có sự hỗ trợ, định hướng từ  chính quyền các cấp, cơ chế, chính sách  của Nhà nước và  đặc biệt là tình yêu với nghề của người dân.