Bệnh nhân nhập viện với nhiều vết thương ở cẳng tay, ngón I và III bàn tay phải. Vết thương có dịch đục, tấy đỏ và có nhiều dị vật lá cây bám dính.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị thương do bị mảnh kính vỡ rơi vào tay, tuy nhiên thay vì đến bệnh viện, gia đình đã áp dụng các phương pháp "mẹo dân gian" như nhai, đắp lá cây không rõ nguồn gốc hoặc bôi mật gấu, rượu ngâm... với hy vọng vết thương sẽ mau lành. Tuy nhiên, sau khi sử dụng các phương pháp này, vết thương không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cơ co cứng, khó vận động.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành khám lâm sàng để đánh giá mức độ nguy hiểm của vết cắt trên cánh tay bệnh nhân, loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương và lên phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân được theo dõi và đánh giá vết thương hàng ngày tại bệnh viện để tầm soát các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo, khi gặp các tai nạn gây chảy máu, người dân nên dùng khăn, vải hoặc quần áo sạch để băng bó vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng các vật liệu bẩn như lá cây, thuốc lào, cát... để đắp lên vết thương vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến cắt cụt chi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Việc xử lý vết thương tại nhà bằng phương pháp dân gian không kiểm chứng khoa học có thể khiến tổn thương diễn biến nặng và trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là trong trường hợp tổn thương gân, mạch máu, thần kinh bị bỏ sót, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.