Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 có đáng lo ngại?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người đã từng mắc Covid-19 băn khoăn về khả năng tái nhiễm sau khi xuất viện bởi thực tế này đã được ghi nhận. Theo các chuyên gia y tế, trên thế giới, số ca tái nhiễm Covid-19 sau vài tháng công bố khỏi bệnh là có nhưng không nhiều. Dù không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan khi các biến chủng virus ngày càng nhanh, mạnh hơn.

Vẫn có thể lây bệnh cho người khác
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã có 538.454 ca Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong đó, tại Hà Nội, số bệnh nhân điều trị khỏi là 3.190 trường hợp. Thống kê cho thấy, số ca tái nhiễm Covid-19 sau vài tháng công bố khỏi bệnh là có nhưng rất ít, tỷ lệ này trên thế giới chưa đến 1%.
Đề cập tới vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh đó lần thứ 2. Có những trường hợp tái nhiễm sau vài tháng khỏi bệnh.
 Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn Hà Nội.
Trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, thầy thuốc phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác như: Xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hoặc xác nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh, tái dương tính hay tái nhiễm. Còn tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó. Tại Việt Nam, có một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 tái dương tính sau khi được ra viện, những ca này hầu như không lây nhiễm virus cho người khác.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Chánh - Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cho rằng, nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh, dù có kháng thể nhưng vẫn có thể tái nhiễm do bệnh nhân tiếp tục tiếp xúc F0, vô tình lây nhiễm virus vào cơ thể. Tuy nhiên, thời gian cơ thể có thể kháng lại virus thì vẫn chưa được xác định cụ thể. Hiện các ca tái nhiễm trên thế giới nghiên cứu còn chưa có nhiều bằng chứng. Nhưng người dân không nên nghĩ rằng, mình đã từng mắc Covid-19 thì không bị nữa hoặc bị nhẹ để chủ có tâm lý chủ quan, làm lây nhiễm cho cộng đồng. “Do đó, người dân sau khi khỏi bệnh vẫn phải thực hiện 5K tuyệt đối theo khuyến cáo. Đặc biệt, bản thân người khỏi bệnh vẫn có thể trở thành đối tượng trung gian mang virus đi khắp nơi. Bởi virus SARS-CoV-2 có thể bám lên bề mặt quần áo, đồ dùng và da người… Từ đó virus tiếp tục được phát tán và có thể gây lây nhiễm cho người khác” - bác sĩ Chánh lưu ý.
Không chủ quan với biến chủng mới
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, trường hợp mắc Covid-19 vẫn có thể nhiễm lại nhưng trên thế giới báo cáo rất ít. 
Như trường hợp bệnh nhân nam N.T.P., sinh năm 1968, ở Cầu Giấy (có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 tại Nga ngày 8/11/2020), ngày 3/9, bệnh nhân đi tiêm vaccine Covid-19. Đến ngày 6/9, bệnh nhân đi khám tại một phòng khám, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (người bệnh không có triệu chứng). Trường hợp này cũng chưa thể biết được đó là tái dương tính hay tái nhiễm. Ở đây có thể hiểu, tái nhiễm là nhiễm Covid-19 lần này, rồi lại nhiễm lần khác. Tuy thế giới có ca tái nhiễm nhưng số lượng ca công bố chưa nhiều. Cho đến nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu về trường hợp tái nhiễm một cách thật chính xác.
Theo các chuyên gia y tế, một trong những lợi thế của F0 đã khỏi bệnh là cơ thể họ tồn tại kháng thể. Do đó, cơ thể hiếm khi tái nhiễm trong khoảng 6 tháng, có tác dụng như tiêm vaccine. Bởi khi người bệnh bị nhiễm bất kỳ virus nào thì cơ thể bắt đầu sinh ra kháng thể. Người bệnh đã tiếp xúc với virus thì kháng thể trong người sẽ cao. Khi khỏi bệnh, lượng kháng thể này vẫn chưa mất đi mà vẫn ở trong cơ thể, do đó, khi virus tấn công trở lại thì kháng thể trong người sẽ trung hòa virus. Thông thường, kháng thể này tồn tại trong người không lâu nên bệnh nhân khỏi bệnh chỉ miễn nhiễm trong khoảng 5-6 tháng. Sau thời gian này, người  từng mắc Covid-19 nên tiêm vaccine và tuân thủ 5K để bảo vệ cơ thể khỏi dịch bệnh.
“Hiện nay, với biến chủng mới, bất cứ ai cũng có thể mắc, người lớn, trẻ em, đặc biệt là người già, những người có bệnh nền, khi nhiễm Covid-19 sẽ nguy hiểm hơn, dễ mắc bệnh nặng, dễ tử vong. Đặc biệt, đối với những trường hợp chưa tiêm vaccine thường khi nhiễm Covid-19, bệnh sẽ nặng hơn những người đã tiêm vaccine. Với những người đã tiêm 2 mũi vaccine cũng không được chủ quan, bởi vẫn có thể nhiễm Covid-19 và lây cho người khác, cho cộng đồng” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Những trường hợp từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh nhưng sau khi hết bệnh, vẫn cần tiêm vaccine để đảm bảo chắc chắn bản thân được bảo vệ. Sau khi khỏi bệnh, nếu đang chờ được tiêm vaccine, càng phải cẩn thận hơn, không được chủ quan để bảo vệ bản thân và tránh lây lan dịch cho cộng đồng. Ngoài tiêm vaccine, người từng nhiễm Covid-19 vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm như những người khác. Đó là đảm bảo tuyệt đối khuyến cáo 5K. Đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, thường xuyên sát khuẩn tay, khai báo y tế đầy đủ… 
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế