Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, sau hơn 3 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra toàn bộ 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn trên địa bàn TP. Hiện, đã có trên 230.000 con lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, chiếm khoảng 12% tổng đàn lợn của Hà Nội.
Thời gian qua, dù dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, việc tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn TP vẫn tương đối ổn định. TP vẫn bảo đảm nguồn cung khoảng 18.000 tấn thịt lợn cho tiêu dùng của người dân Thủ đô.
“Hiện, chưa có dấu hiệu của việc khan hiếm nguồn hàng thịt lợn” – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định. Dù vậy, bà Lan cho rằng, việc dự trữ thịt lợn sẽ là giải pháp cần tính đến trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở một khía cạnh liên quan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định, với tình hình lây lan dịch tả lợn châu Phi hiện nay, khả năng suy giảm tổng đàn lợn sẽ còn lớn hơn. Điều này sẽ khiến nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm 2019 gặp khó khăn. Chính vì vậy, cần tính tới giải pháp dự trữ thịt lợn thông qua cấp đông.
Dù vậy, giải pháp này cũng không dễ thực hiện với Hà Nội. Bởi theo rà soát mới đây, toàn TP hiện chỉ có duy nhất 1 DN đang tiến hành cấp đông thịt lợn. Hầu hết các DN khác chưa mặn mà với giải pháp tạm trữ thịt lợn này. Nguyên nhân là do còn thiếu nhiều cơ chế nhằm khuyến khích DN tham gia cấp đông thịt lợn.
Không chỉ vậy, bà Trần Thị Phương Lan còn cho rằng, với khoảng 1,6 triệu con lợn hiện có, nếu tiến hành cấp đông toàn bộ thì cũng chỉ có thể bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô trong khoảng… 6 tháng. Chính vì vậy, Hà Nội sẽ cần phải tính tới giải pháp nhập thịt lợn từ các tỉnh, TP có nguồn dự trữ cấp đông hoặc nhập khẩu từ các quốc gia chưa xảy ra dịch tả châu Phi.
Liên quan tới giải pháp trước mắt, đại diện Sở Công Thương và Sở NN&PTNT Hà Nội cùng chung quan điểm cho rằng, các bộ, ngành cần sớm nghiên cứu, trình Chính phủ phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, thu hút các DN tham gia cấp đông dự trữ thịt lợn, tránh tình trạng... chờ lợn chết để tiêu hủy! Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các tỉnh, TP từng bước triển khai công tác tái đàn tại những vùng an toàn dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong những năm tiếp theo.