Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ với kinh tế toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 11/2008 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bơm vào thị trường ít nhất 1,5 ngàn tỷ USD.

 Lượng tiền khổng lồ này tuy giúp Mỹ thoát khỏi suy thoái nhưng cũng tạo ra những nguy cơ nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu.

 Tiếp tục “bơm tiền”

Tháng 5/2013, lần đầu tiên Chủ tịch FED Ben Bernanke đã đề cập đến khả năng thu hẹp gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), thị trường tài chính thế giới đã trải qua không ít phiên biến động. Chỉ số trái phiếu tại thị trường mới nổi đã giảm đến 17% và hiện vẫn chưa lấy lại mốc đã để mất từ hồi cuối tháng 5. Tuy nhiên, dựa trên những tuyên bố được đưa ra gần đây, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng FED sẽ chưa thu hẹp QE3 cho đến khi các cuộc họp diễn ra trong tháng 1 hoặc tháng 3 năm 2014.
Chủ tịch FED Ben Bernanke. Ảnh: AFP
Chủ tịch FED Ben Bernanke. Ảnh: AFP
Trên thực tế, trong phiên họp chính sách hôm 19/11, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết, thị trường lao động đã có những bước tiến nhiều ý nghĩa kể từ khi QE3 bắt đầu hồi tháng 9/2012 nhưng con số chỉ có 2,6 triệu việc làm mới được tạo ra đã gây ra ít nhiều thất vọng. Vì thế, ông Bernanke cam kết tiếp tục duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ và sẽ chỉ bắt đầu giảm dần việc mua trái phiếu khi thị trường lao động tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch FED Janet Yellen - nhân vật nhiều khả năng sẽ là người kế nhiệm ông Bernanke cho rằng, nền kinh tế tuy đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn còn cách xa những gì được trông đợi. Theo đó, chỉ khi nào thị trường lao động được cải thiện và lạm phát di chuyển về phía mục tiêu 2% trong trung hạn, FED mới bắt đầu hành động.

Nguy cơ lớn nhất

Sau cú sốc hồi cuối tháng 5, thị trường dần hiểu ra rằng, dù sớm hay muộn, FED sẽ phải thu hẹp và chấm dứt hành động bơm tiền ra thị trường. Chỉ có điều, quy mô và thời điểm chính xác Mỹ sẽ triển khai biện pháp này đã phần nào gây ra tấm lý bất an cho các nhà đầu tư. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được công bố hôm 19/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định chính những vấn đề của Mỹ là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm quá trình cắt giảm QE và khủng hoảng trần nợ Mỹ. Sự không chắc chắn của chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ của FED đang đặt nguy cơ ngày càng lớn đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, vốn đã suy yếu do tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi đáng kể của OECD khi dịch chuyển mối quan tâm từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sang mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hiện nay, với những vấn đề trọng tâm đến từ Mỹ. Ngoài phản ứng của thị trường đối với các quyết định của FED, nguy cơ từ cuộc tranh cãi về trần nợ của hai đảng tại Mỹ có thể làm trật bánh xe của sự phục hồi kinh tế toàn cầu thêm một lần nữa.