Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy hại khôn lường khi truyền dịch tại nhà

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tại Hà Nội cũng như các địa phương khác, có hiện tượng người dân khi thấy sốt cao (một trong những biểu hiện của SXH) đã tự nhờ cán bộ y tế đến truyền dịch tại nhà. Theo Phó Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa Phạm Bá Hiền, việc người bệnh tự truyền dịch chỉ vì thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm. Đặc biệt với bệnh nhân có dấu hiệu SXH, nguy cơ sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dễ dẫn đến tử vong.

 Ảnh minh họa
Ngay cả những trường hợp SXH cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi. Trong khi với bệnh nhân SXH, tuy có giai đoạn bị mất dịch (thường 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn cuối xảy ra hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong thời gian này sẽ gây ra hiện tượng thừa dịch, dẫn đến phù phổi và các biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong. 
Một trong những biến chứng nặng nhất đó là sốc phản vệ, biểu hiện rõ nhất là bệnh nhân rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ có thể lên 39 - 40oC hoặc biểu hiện cao hơn là mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp tim nhanh và nông, bệnh nhân có những biểu hiện lo lắng, bồn chồn, vật vã. Nếu bệnh nhân gặp sốc phản vệ, không xử trí kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.

Những biến chứng khác khi tự ý truyền dịch đó là dị ứng, nhiễm trùng máu, tràn dịch màng bụng, màng phổi, suy hô hấp, suy tim, đặc biệt ở những đối tượng mắc bệnh tim mạch; rối loạn điện giải như tăng natri máu, tăng đường huyết; tắc mạch phổi do khí trong dây truyền lọt vào lòng mạch.

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Phạm Bá Hiền khuyến cáo, khi người dân nghi ngờ có những triệu chứng đầu tiên của bệnh phải đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán. Người bệnh tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà. Việc truyền dịch khi bệnh nhân mắc SXH cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám và được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản. Đồng thời người bệnh nên truyền dịch tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để có thể xử lý kịp thời khi có tai biến xảy ra.

“Với bệnh nhân mắc SXH trong giai đoạn đầu có thể tự bù dịch tại nhà bằng đường uống như Oresol, nước hoa quả. Đồng thời để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, người dân cần duy trì nếp sống lành mạnh, tăng cường vận động, cân bằng dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung vitamin A, C…”- bác sĩ Phạm Bá Hiền lưu ý.