Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan lo lắng về lạm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo nguyên Phó thủ tướng, để hạn chế nguy cơ lạm phát tăng cao, nhất thiết phải kìm giữ một số điểm mất cân đối trong nền kinh tế, mà trước hết là ngân sách.

KTĐT - Theo nguyên Phó thủ tướng, để hạn chế nguy cơ lạm phát tăng cao, nhất thiết phải kìm giữ một số điểm mất cân đối trong nền kinh tế, mà trước hết là ngân sách. Tỷ lệ bội chi ngân sách hiện đã được xác định là còn khá cao. Phải tiếp tục phấn đấu giảm.

Phát biểu trong Hội thảo Giải pháp tài chính tiền tệ trong thời kỳ suy giảm, nguyên Phó thủ tướng đã nhấn mạnh 5 nhân tố có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại trong năm nay.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhắc đến câu chuyện lạm phát như một vấn đề tất yếu phải giải quyết nếu muốn ổn định kinh tế: "Tôi là một trong những người cũng quan tâm, lo lắng về vấn đề lạm phát. Tôi có cảm giác là chính phủ cũng nhận ra điều này. Trong báo cáo cho Quốc hội đã có nói đến. Tôi không bình luận về các chỉ số nhưng nguy cơ lạm phát là có thật".

Ông đưa ra 5 nhân tố có thể đè nặng lên nguy cơ lạm phát trong năm nay:

Nhân tố thứ nhất là bội chi ngân sách quá lớn. So với năm 2008, khi lạm phát được coi là kỷ lục, cao hơn 20% thì bội chi ngân sách cũng chỉ ở mức hơn 5%. Như vậy, số liệu được Chính phủ công bố cho năm nay là 6,9% là một con số đáng suy nghĩ và không thể không tính đến trong các kế hoạch bình ổn kinh tế.

Nhân tố thứ hai là việc tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, cũng không thể coi thường. Hiện tại, mọi người đang nói đến con số 33,29%. Nhưng đến cuối năm con số đó là bao nhiêu? Tuy nhiên, chỉ riêng chủ số tín dụng thôi thì chưa đủ, cần kết hợp với nhiều yếu tố khác, trong đó có tổng mức tăng phát hành tiền của năm 2009. Con số này, theo ông Vũ Khoan, chỉ có các ngân hàng mới biết.

Nhân tố thứ ba là nhập siêu trong năm 2009 cũng đang có chiều hướng tăng cao trở lại trong khi xuất khẩu lại có dấu hiệu giảm. Con số nhập siêu chắc chắn sẽ phải tăng cao trong năm 2010 nếu Việt Nam muốn đưa tốc độ tăng trưởng lên mức 6,5%. Chính phủ đã nhìn thấy dấu hiệu ngay từ bây giờ và nhất thiết phải cẩn trọng.

Nhân tố thứ tư, theo nguyên Phó thủ tướng, là mặt bằng giá thế giới đang có dấu hiệu tăng trở lại. Việt Nam không thể không tính đến điều này do nền kinh tế hiện đã quá phụ thuộc vào thế giới, lượng nhập khẩu lại rất lớn.

Cuối cùng, ngay một số biện pháp được thực hiện trong nội tại nền kinh tế cũng là nhân tố thúc đẩy quá trình tăng giá, chẳng hạn như quyết định tăng lương cơ bản vào lúc này.

"Tôi đang nói với tư cách một người dân. Những cán bộ nghỉ hưu như tôi bây giờ, nếu có được tăng lương, được thêm mấy chục nghìn thì cũng thấy mừng. Nhưng tăng lương vào thời điểm này sẽ làm này sinh hai vấn đề: Một là sẽ tăng lực đẩy cho lạm phát. Hai là tôi không biết liệu điều này có triệt tiêu những nỗ lực kích thích kinh tế hay không? Cộng thêm những yếu tố khác như việc tăng giá điện, nước, than... sẽ cùng được thực hiện trong năm 2010. Tôi thấy không thể không cảnh giác với tình hình này", ông Vũ Khoan nói.

"Tôi thấy mừng vì thấy trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng có quan tâm đến vấn đề này. Còn việc đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho năm tới, tôi không muốn tranh luận vì không có được những con số cụ thể để làm căn cứ tính toán", ông chia sẻ.

Theo nguyên Phó thủ tướng, để hạn chế nguy cơ lạm phát tăng cao, nhất thiết phải kìm giữ một số điểm mất cân đối trong nền kinh tế, mà trước hết là ngân sách. Tỷ lệ bội chi ngân sách hiện đã được xác định là còn khá cao. Phải tiếp tục phấn đấu giảm. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt một số yếu tố như tín dụng, phát hành tiền và nhập siêu sao cho không quá lớn. Cuối cùng, nên tính toán thật kỹ những tác động nội tại trong nền kinh tế (lương, giá cả) để có điều chỉnh thích hợp.

"Tôi nghĩ nếu kiểm soát được những vấn đề đó thì làm phát cũng không ở mức quá nghiêm trọng", ông Vũ Khoan nói.