Ông là một chính khách, một nhà ngoại giao xuất chúng và là nhà báo tài ba, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.
Người tổ chức báo chí cách mạng
90 năm trước, người thanh niên Xuân Thủy đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng bằng nghề báo. Ông từng là cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như “Trung Bắc Tân văn”, “Hà thành Ngọ báo”… Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Từng bước, báo chí trong tay ông như thanh gươm được mài sắc trên hành trình cách mạng.
Năm 1941, bị Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một dấu son của báo chí trong tù với tờ báo mang tên Suối Reo. “Việc xuất bản và lưu hành tờ Suối Reo trong một thời gian dài chứng tỏ trình độ tổ chức và hoạt động của những người cộng sản trong tù rất vững vàng, dày dạn kinh nghiệm. Suối Reo là một di sản đặc biệt quý giá của báo chí cách mạng Việt Nam” - Viện Mác-Lênin đã đánh giá rất cao tờ báo này trong cuốn “Ngục Sơn La” như vậy.
Từ năm 1944, ông làm chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc của Việt Minh, vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như: Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng…
Trong những thời điểm then chốt của cách mạng, Báo Cứu Quốc đã tỏ rõ tính dự báo chính xác, tính chiến đấu cao, lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ. Chỉ việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó là một kỳ tích.
Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thủy, Báo Cứu Quốc trở thành một tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong cả nước lúc bấy giờ. Uy tín, ảnh hưởng của Báo Cứu Quốc gắn liền với tài năng viết báo, tổ chức làm báo và tập hợp người tài của Xuân Thủy.
Nhiều tên tuổi của Báo Cứu Quốc đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng như: Nguyễn Ngọc Kha, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Thành Lê cùng một đội ngũ cộng tác viên cự phách bao gồm: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới...
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, nhà báo Xuân Thủy là người để lại di sản báo chí to lớn cho hậu thế.
Trong đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh 4 nội dung: Xuân Thủy - ngọn bút tiên phong và xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam; người dày công xây dựng tổ chức, đội ngũ báo chí cách mạng; nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế và vũ khí báo chí trong đấu tranh ngoại giao; Xuân Thủy với cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến.
Bên cạnh đó, Xuân Thủy là nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế. Đầu tháng 6/1968, Xuân Thủy được quyết định đi Paris với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phám của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại các phiên họp ông đã thể hiện bản lĩnh, tài năng ngoại giao.
Tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị hai bên (13/5/1968), nhà báo Xuân Thủy mạnh mẽ lên án: “Mỹ vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, xâm lược, gây chiến tranh ở hai miền Việt Nam”. Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư Hà Đăng chia sẻ, trong 5 năm Hội nghị Paris, Việt Nam chỉ có duy nhất một trưởng đoàn đàm phán là Xuân Thủy.
Trong khi đó, phía Mỹ liên tiếp bốn lần thay đổi trưởng đoàn, bắt đầu là Harriman, đến Cabot Lodge, rồi David Buce và William Porter. Quá trình đàm phán, báo giới Pháp và các nước thời bấy giờ đều cho rằng Xuân Thủy đã lần lượt “hạ nốc ao” cả bốn “đối thủ” Mỹ.
“Ngoài việc đấu lý cực kỳ quyết liệt giữa hai bên, Xuân Thủy, với phong cách đặc biệt Việt Nam đã tỏ rõ là một con người rất lịch sự, biết tôn trọng người đối thoại với mình và ngược lại được đối thủ nể trọng” – nhà báo Hà Đăng chia sẻ.
Dày công xây dựng đội ngũ báo chí
Nói về Xuân Thủy, nhiều người cả trong và ngoài nước đều ca ngợi ông là nhà chính trị tài ba, mẫn tiệp, nhà ngoại giao xuất chúng, hội đủ tinh hoa kim, cổ, Đông, Tây, đặc sắc của Việt Nam. Sẽ còn nhiều người, còn nhiều năm sau nữa nói như vậy và còn hơn thế.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Trên cương vị là người đứng đầu công tác tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, phụ trách tờ Cứu Quốc, Xuân Thủy là người tổ chức chính lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên ở nước ta - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Ngày 21/4/1950, nhà báo Xuân Thủy đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí T.Ư đóng ở chiến khu Việt Bắc, thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội họp tại hội trường Báo Cứu Quốc và bầu chủ nhiệm Báo Cứu Quốc Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.
Khi đất nước thống nhất, ngày 7/7/1976, với cương vị Bí thư T.Ư Đảng, Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam thành một tổ chức báo chí duy nhất, hoạt động trên phạm vi cả nước, lấy tên chính thức là Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.
Tuy hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ, báo chí là lĩnh vực ông say mê nhất và gắn bó suốt đời. Ở tuổi thanh xuân, ông khởi đầu hoạt động cách mạng bằng nghề báo. Chiều 18/6/1985, trong cơn mưa tầm tã, trái tim ông đã đột ngột ngừng đập khiến ông gục xuống ngay trên bàn viết, trước bản thảo “Những chặng đường Báo Cứu Quốc” đang dở dang.
Nhiều dự định cao cả của ông chưa thực hiện được khi cuộc đời ông dừng lại ở tuổi 73, nhưng sự nghiệp làm báo của Xuân Thủy, con đường cách mạng cống hiến cho dân tộc theo Bác Hồ của Xuân Thủy, của lớp lớp cha anh thì còn chảy mãi cùng đất nước, sáng mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Biệt thự 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi lưu dấu bước chân ông những ngày cuối đời đã được gia đình ông nhường lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để có một cơ ngơi như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hôm nay.
Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế”, đến khi trở thành nhà lãnh đạo chính trị từng trải, luôn kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại, Xuân Thủy luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, GS.TS Tạ Ngọc Tấn