Nhà bình dân tại TP Hồ Chí Minh: Đói cung và tăng giá

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà bình dân đang dần vắng bóng trên thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh, sẽ kéo theo nhiều áp lực đáng kể cho phát triển hạ tầng, an sinh xã hội khi nhu cầu về nhà ở bộ phận thu nhập thấp đô thị ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung chẳng có bao nhiêu.

Theo thống kê của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam), có 186 căn nhà liền kề được bán ra trong các tháng cuối cùng của năm 2019. Đây được xem là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường phục hồi từ năm 2014, bị tác động bởi nguồn cung hạn chế.
Nhà bình dân tại TP Hồ Chí Minh, chưa bao giờ khan hiếm đến thế.
Tuy nhiên, nhu cầu đối với các sản phẩm nhà liền kề bình dân có khoảng giá từ 170.000 - 250.000 USD/căn (tương đương 4 - 6 tỷ đồng/căn) vẫn còn cao, chiếm hơn 70% số căn được bán trong quý 4/2019. Người mua để ở là đối tượng chính trong những dự án này. Do đa phần các dự án chào bán trong quý này đều đã gần hoàn thành và không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Vẫn như các quý trong năm, nguồn cung nhà liền kề tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục khan hiếm. Trong quý 4, nguồn cung chủ yếu đến từ những dự án mở bán mới có quy mô nhỏ, chỉ khoảng 50 - 100 căn cho một dự án. 
Theo đó, nguyên nhân của sự khan hiếm này được nhận định là từ việc trì hoãn trong quy trình xin giấy phép xây dựng và việc chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đủ điều kiện mở bán của các chủ đầu tư. Đây cũng là tình trạng chung của thị trường đã diễn ra trong suốt năm 2019 nhưng dự kiến sẽ được cải thiện sau Tết 2020 khi nhiều dự án mới dự kiến sẽ được mở bán.
Trong khi đó, giá bán trên đà tăng trưởng. Giá bán sơ cấp trong quý 4/2019 đạt 4.629 USD/m2 đất, tăng 24,7% theo năm, với thay đổi mắt xích trên giá của các dự án hiện hữu dao động từ 5 - 10% theo năm.
Việc nguồn cung từ các dự án mới khá hạn chế ở cả hai thị trường căn hộ và nhà liền thổ, đi kèm với việc các dự án hiện hữu có chất lượng phát triển tốt hơn đã lý giải hiện tượng tăng giá bán sơ cấp ở thị trường nhà liền thổ.
Nhận định về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) bày tỏ: “Hiệp hội rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường bất động sản, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha 233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng thời, cũng chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, căn hộ bình dân giảm 34,7%.
“Điều đáng quan tâm là quý II/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường”, ông Châu nói.
Cũng theo HoREA, nguồn cung nhà ở bình dân tại TP Hồ Chí Minh trong tương lai rất hạn chế. Bởi 74% tổng số dự án là những dự án có đất hỗn hợp, quy mô lớn, nằm tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành (nguồn cung chủ yếu nhà ở bình dân). Các dự án này bao gồm đất ở, đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.
Theo quy định, phần diện tích này phải đấu giá theo giá thị trường. Do đó, đến nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại (mới) đã giải phóng mặt bằng, có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư.