Nhà đầu tư bớt hoảng loạn vì biến thể Omicron, chứng khoán Mỹ hồi sinh mạnh mẽ

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ hồi phục sau phiên bán tháo sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ không đóng cửa nền kinh tế thêm một lần nữa vì sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Sau đợt bán tháo mạnh cuối tuần trước, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch ngày 29/11 khi nhà đầu tư cảm thấy yên lòng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng việc phong tỏa kinh tế để đối phó với biến thể Omicron hiện không cần thiết.

 Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên ngày 29/11 nhờ tuyên bố trấn an nhà đầu tư của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones tăng 236,6 điểm, tương đương 0,68%, lên 35.135,94 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,3% đạt 4.655,27 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 1,9% lên 15.782,83 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 hạ 0,2% xuống 2.241,98 điểm.
Tổng thống Biden hôm thứ Hai khẳng định, sẽ không tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để đối phó biến chủng mới. Ông Biden kêu gọi người Mỹ không hoảng loạn, đi tiêm vaccine và đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà để phòng tránh lây nhiễm.
Ông Ryan Detrick - phụ trách chiến lược thị trường tại công ty LPL Financial nhận xét: "Những thông tin cụ thể về biến thể Omicron cần phải chờ đợi trong một vài tuần nữa. Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường trong ngày hôm nay sau phiên bán tháo kỷ lục hôm thứ Sáu tuần trước là một tín hiệu đáng mừng".
Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn leo dốc mạnh trong phiên ngày thứ Hai. Cổ phiếu Tesla tăng vọt 5,1%, còn Microsoft cộng 2,1%. Amazon và Apple cũng lần lượt cộng thêm 1,6% và 2,2%. Tuy nhiên, Twitter giảm 2,7% sau thông tin CEO Jack Dorsey sẽ từ chức.
Cổ phiếu liên quan tới du lịch hồi phục nhẹ sau một phiên nhiều biến động. United Airlines tăng 0,7%, hãng du thuyền Royal Caribbean thêm 2,8%, và cổ phiếu bán lẻ TJX Companies tăng 1,9%.
Sau cuộc họp khẩn cấp hôm 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại biến thể B.1.1.529, phát hiện lần đầu ở Nam Phi, là "đáng lo ngại", đồng thời đặt tên cho siêu biến chủng mới này là Omicron.  Một bác sĩ Nam Phi, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về biến thể mới, nói với hãng tin BBC rằng bệnh nhân có các triệu chứng “cực kỳ nhẹ”, mặc dù còn quá sớm để xác định cách hoạt động của Omicron trước khi nó được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Biến thể là Omicron hiện đã được phát hiện tại Anh, Israel, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia, Australia và Hồng Kông (Trung Quốc), nhưng chưa có ở Mỹ. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, đã áp những hạn chế về đi lại từ các quốc gia miền Nam châu Phi.
Nhà phân tích Bill Ackman, CEO quỹ đầu cơ Pershing Square, lưu ý trên Twitter: "Theo những thông tin sơ bộ ban đầu, biến thể Omicron chỉ gây ra những triệu chứng 'nhẹ cho tới trung bình' (ít nghiêm trọng) và dễ lây nhiễm hơn. Nếu những đánh giá này là đúng thì Omicron sẽ có tác động tích cực chứ không phải tiêu cực đối với các thị trường".
Theo ông Ackman, biến thể Omicron có thể tác động "tích cực đối với thị trường cổ phiếu, tiêu cực đối với trái phiếu".
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã phục hồi lên hơn 1,5% trong phiên ngày thứ Hai. Cuối tuần trước, giới đầu tư đã bán tháo mạnh cổ phiếu để tìm đến những tài sản an toàn hơn như trái phiếu khiến giá trái phiếu tăng cao và lợi suất giảm (giá và lợi suất biến động ngược chiều). Một số cổ phiếu ngân hàng, như Wells Fargo và PNC Financial, đã khởi sắc nhờ lợi suất trái phiếu tăng.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, đã giảm vào ngày thứ Hai sau khi tăng 10 điểm vào ngày 26/11./.