Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà đầu tư căng thẳng chờ số liệu lạm phát, chứng khoán Mỹ rơi đỉnh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống trong phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng có thể ảnh hưởng đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed.

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên ngày 26/2. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên ngày 26/2. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 26/2, chỉ số S&P 500 sụt 0,38% xuống còn 5.069,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,13% về còn 5.976,25 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 62,30 điểm (tương đương 0,16%) còn 39.069,23 điểm.

Kể từ ngày 26/2, Amazon đã chính thức trở thành một trong 30 thành viên của chỉ số Dow Jones, thay thế cho Walgreens Boots Alliance. Việc bổ sung “ông lớn” thương mại điện tử Amazon vào Dow Jones sẽ giúp tăng tỷ trọng của lĩnh vực công nghệ và bán lẻ tiêu dùng trong chỉ số này. Tuy nhiên, sau khi vào Dow Jones, cổ phiếu Amazon giảm 0,15%.

Các chỉ số chính của sàn Phố Wall chịu áp lực giảm điểm trong phiên này do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức 4,299%, tăng khoảng 3 điểm cơ bản so với mức chốt của tuần trước.

Tuần trước, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã thiết lập mức cao kỷ lục nhờ báo cáo tài chính mạnh mẽ từ hãng sản xuất con chip Nvidia - trung tâm của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

Các nhà đầu tư cổ phiếu đang theo dõi liệu lực đẩy từ cơn sốt AI có thể duy trì hay không, trong khi những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn đang phủ bóng lên thị trường.

Vì vậy, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến công bố giữa tuần này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Ông Alex McGrath - Giám đốc đầu tư của công ty NorthEnd Private Wealth, nói rằng xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ hiện dựa vào cổ phiếu AI có vẻ khá bền vững.

“Các kỳ vọng về Nvidia và các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn khác dường như khiến nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng AI sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng tăng của thị trường” - chuyên gia McGrath nói với đài CNBC.

Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư John Stoltzfus của Oppenheimer, cho biết,  tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh tích cực hơn dự kiến.

Ông Stoltzfus lưu ý thêm: “Tâm trạng lạc quan này được duy trì “ngay cả khi khi trường phải chấp nhận khả năng Fed còn thận trọng với sự dai dẳng của lạm phát, cân nhắc có cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không, và nếu có thực hiện thì vào thời điểm nào và với quy mô bao nhiêu”.

Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán nhà mới trong tháng 1/2024 tại Mỹ thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế do lãi suất thế chấp vẫn tăng cao. Doanh số bán nhà mới dành cho một gia đình đạt 661.000 căn, tăng 1,5%. Số liệu này thấp hơn dự báo của Dow Jones là 680.000 và tăng 2,4%. 

Tuần này sẽ có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố và một số quan chức Fed phát biểu về chính sách tiền tệ.

Ngoài báo cáo PCE, còn có các báo cáo về số đơn đặt mua hàng hoá lâu bền vào ngày thứ Ba và lượng hàng bán buôn tồn trữ vào ngày thứ Tư. Tất cả các số liệu này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn về tình trạng của nền kinh tế Mỹ, từ đó giúp nhà đầu tư định hình kỳ vọng lãi suất.

Các nhà giao dịch đã lùi dự báo vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed đến tháng 6 từ tháng 5 vào đầu tháng này, sau khi các chỉ số về giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) chỉ ra lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt như mong muốn của Fed.