Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Dấu hiệu trở lại rõ nhất hiện nay là sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đang dần được cải thiện ở hầu hết các phân khúc.
Nếu như năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Nga góp phần làm tăng trưởng nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, thì năm 2014, đến lượt các nhà đầu tư Trung Quốc thâm nhập thị trường. Những nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án bất động sản ở Việt Nam cho biết đầu tư bất động sản tại Việt Nam là hợp lý bởi giá bất động sản Việt Nam hiện nay đang rẻ hơn ở Trung Quốc. Trong khi đó, lý do các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực, mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận.
Có thể nói, năm 2013 là năm vắng bóng những dự án khủng vào bất động sản dù số dự án có vốn FDI vẫn đạt 900 triệu USD, nhưng không có dự án lớn nào, ngoài Dự án Xây dựng nhà xã hội ở Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty Pruksa (Thái Lan).
Ảnh minh họa.
|
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, quý I/2014, có 252 dự án có vốn FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 288,3 triệu USD.
Đáng chú ý là sự xuất hiện trở lại của dự án bất động sản có vốn FDI lớn nhất trong vòng 1 năm qua sau dự án Dự án Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) liên doanh với Becamex, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2012. Đó là dự án Xây dựng khu chung cư phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) của Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.
Ngay từ những ngày đầu năm 2014, nhiều tín hiệu vui đến với thị trường bất động sản Việt Nam đã khiến nhiều người dự đoán, đây sẽ là năm khởi sắc cho thị trường sau thời gian dài chìm trong sự tụt dốc.
Cụ thể, tháng 1/2014, Tập đoàn Rose Rock của gia đình tỷ phú Mỹ Rockefeller đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để thực hiện khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng tại Vũng Rô (Phú Yên) với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD. Dự án có tên là Vũng Rô Bay Resort Complex với quy mô 760 phòng khách sạn, 4.300 căn hộ và 100 nhà phố.
Igal Ahouvi, một tỷ phú người Israel, vốn nổi danh với những thương vụ mua bán bất động sản có tổng trị giá lên đến 10 tỷ USD, cũng đã thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc thâu tóm Khu du lịch Bãi Rồng tại Cam Ranh, Khánh Hoà. Khu du lịch Bãi Rồng tại Cam Ranh (Khánh Hòa) có chi phí lên đến 300 triệu USD. Dự án sẽ phát triển dưới thương hiệu mới là Alma Resort, gồm 200 biệt thự và 400 căn hộ.
Cũng tại Cam Ranh, Công ty State Development - Moscow vừa động thổ xây dựng Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers Resort, với tổng vốn đầu tư 1.890 tỷ đồng, bao gồm 256 phòng khách sạn, 111 căn hộ và 56 biệt thự.
Trong khi đó một công ty đã hoạt động tại Việt Nam trong thời gian dài với kết quả lợi nhuận khác tốt là Indochina Land (công ty chuyên về đầu tư bất động sản của Indochina Capital đang quản lý 500 triệu USD tiền vốn) vừa tiếp tục đầu tư thêm 2 triệu USD để thiết kế lại cảnh quan Dự án biệt thự Goldora tại TP.HCM (đã đổi tên thành Eden Villas) theo tiêu chuẩn như biệt thự nghỉ dưỡng. Hiện tại dự án án biệt thự Goldora đang được Indochina Land chuẩn bị chào bán. Indochina Land hiện là đơn vị đang quản lý Khu căn hộ Indochina Plaza Hanoi và Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang.
Một đối tác ngoại đã từng hoạt động tại Việt Nam từ đầu những năm 1990 là Sembcrop vừa nhận giấy phép tăng vốn thêm 120 triệu USD cho dự án tại Hải Phòng.
Trước đó, năm 2013, Sembcorp nhận giấy phép đầu tư Khu đô thị VSIP Sembcorp Gateway tại Bình Dương, với tổng vốn 200 triệu USD. Khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, lĩnh vực đầu tiên mà Sembcrop lựa chọn là hạ tầng khu công nghiệp. Công trình đầu tiên của SembCorp tại Việt Nam là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP I) khởi công xây dựng năm 1996, tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sau đó, 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục ra đời với sự hiện diện của VSIP II tại TP. Bình Dương, VSIP III tại Bắc Ninh, VSIP IV tại Hải Phòng và sắp tới là VSIP tại Quảng Ngãi.
Tháng 3/2014, căn hộ Mulbery Land (Mỗ Lao, Hà Đông) đã được chào bán ghi dấu sự lấn sân sang lĩnh vực nhà ở của CapitaLand. Được coi là thế hệ nhà đầu tư bất động sản thứ 2 của Singapore đến Việt Nam vào cuối những năm 1990, ban đầu CapitaLand đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp với hàng loạt dự án, như Hà Nội Tower, Sofitel Plaza Hà Nội, InterContinental Hanoi Westlake, Khách sạn Somerset ở Hà Nội và TP.HCM. Sau thành công ở lĩnh vực khách sạn cao cấp, CapitaLand tiếp tục dấn chân sang lĩnh vực nhà ở, khu đô thị với sự hiện diện của hàng loạt dự án chung cư - biệt thự cao cấp, như Mulberyland (Mỗ Lao, Hà Đông) hay The Vista (phường An Phú, quận II, TP.HCM).
Đầu năm 2014, Keppel Land (Singapore) đang có kế hoạch liên doanh với Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate đầu tư dự án khu đô thị Hanoi Westgate tại huyện Quốc Oai có tổng vốn đầu tư 140 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án được xây dựng trên diện tích 52,52ha với tổng vốn trên 100 triệu USD, trong đó Keppel Land dự kiến nắm giữ 60% cổ phần.
Keppel Land là công ty đang có tới 18 dự án bất động sản đang triển khai tại Việt Nam với số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nhà ở, căn hộ cao cấp. Keppel Land cũng tạo dựng danh tiếng trên thị trường địa ốc với hàng loạt dự án bất động sản là nhà ở - khu đô thị tại TP.HCM, như Riviera Point (quận 7), cao ốc phức hợp Saigon Center (quận 1), Khu căn hộ cao cấp Estella (quận 2)… Dự án khu đô thị Hanoi Westgate là dự án đô thị đầu tiên của Keppel Land ở Hà Nội, sau 3 dự án văn phòng cho thuê.