Nhà khoa học tìm hiểu thương mại hóa công nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Viện công nghệ Massachuseetts - MIT.

Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các nhà khoa học, trường đại học, trung tâm và viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước đăng ký tại Việt Nam, của các cá nhân đơn lẻ, nhưng việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
Các chuyên gia Viện công nghệ Massachuseetts - MIT tham gia buổi tọa đàm
Các chuyên gia Viện công nghệ Massachuseetts - MIT tham gia buổi tọa đàm
Theo ông Phan Tiến Dũng - Phó trưởng Ban ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học & công nghệ Việt Nam) việc tổ chức buổi tọa đàm với khách mời là những cựu sinh viên của MIT, là một viện đại học nghiên cứu có kinh nghiệm về thương mại hóa khoa học công nghệ thành công bậc nhất trên thế giới là để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Qua đây, hy vọng mỗi nhà khoa học định hình trong việc tìm ra những cách vượt qua các rào cản để thực hiện thành công thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình. Việc thương mại hóa khoa học công nghệ là việc không dễ nhưng đây là việc rất cần cho mỗi quốc gia để nâng cao sức cạch tranh trong quá trình phát triển, nhất là hiện nay Việt Nam đang ngày càng hội nhập ngày càng sâu rộng.

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm là các doanh nhân khởi nghiệp thành công trong ngành công nghệ cao, là các cựu sinh viên từ Viện đại học Massachusetts danh tiếng hàng đầu thế giới gồm ông Đoan Võ, Đằng Trần và Trần Lương Sơn, là những người học tập các ngành khác nhau từ cơ khí, công nghệ thông tin, đến quản trị kinh doanh tại trường MIT, với 10 tới 25 năm kinh nghiệm nghề nghiệp và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao và đầu tư. Họ đã, đang có kế hoạch khởi nghiệp về công nghệ cao và đầu tư tại Việt Nam trong những năm tới.

Theo ông Trần Lương Sơn trong rất nhiều năm về trước, nền khoa học Việt Nam thường nghiên cứu theo hướng khoa học vị khoa học. Các nhà khoa học rất quan tâm đến các công trình khoa học mà không để ý đến ứng dụng thị trường, kết quả các đề tài nghiên cứu thường xong bỏ đấy do đó các nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển xã hội là rất ít. Hiện nay, tư duy này đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, để khoa học phục vụ thị trường, khoa học hiểu được nhu cầu của thị trường, đáp ứng được đơn đặt hàng của thị trường thì việc sáng chế trong khoa học hiện nay là rất quan trọng. Mỗi đề tài khoa học phải là một sáng chế, có sáng chế có nghĩa là đến gần với thị trường. Theo ông Sơn, tại nước có nền khoa học công nghệ phát triển như nước Mỹ thì những sáng chế khoa học rất được coi trọng, được pháp luật bảo vệ rất chặt chẽ. Các nhà sáng chế được trân trọng, họ có những quyền lợi xứng đáng. “Ở Việt Nam cần có cơ chế cho các nhà sáng chế để làm sao hài hòa quyền lợi giữa các nhà bảo trợ và người sáng chế thì chắc chán sẽ có một cuộc bùng nổ về sáng chế và lúc đó thương mại hóa sản phẩm khoa học sẽ rất dễ dàng” - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Đằng Trần, vấn đề cốt lõi của việc thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam thành công là việc thay đổi tư duy của những người làm khoa học, người làm khoa học không chỉ có tư duy của  nhà khoa học mà còn phải có tư duy của một doanh nhân. Phải luôn có những câu hỏi “Tại sao?” trong quá trình nghiên cứu thì những gì sáng tạo ra mới phục vụ tốt cho cộng đồng.

Tại buổi tọa đàm nhiều nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã có những chia sẻ  khó khăn, rào cản trong việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học hiện nay.

Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới do đó nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh rất cao, để canh tranh được thì các sản phẩm phải mang hàm lượng khoa học công nghệ cao. Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ là một đơn vị hàng đầu của cả nước, kết quả về nghiên cứu cơ bản đã được định hình rất rõ. Tuy nhiên kiến thức về thương mại hóa của các nhà khoa học còn hạn chế, việc tổ chức những buổi tọa đàm, hội nghị  là nhằm định hướng và cung cấp những kỹ năng cơ bản về thương mại hóa để từ đó các nhà khoa học thay đổi tư duy, nâng cao tinh thần sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ có trình độ cao, giải quyết các thách thức của quốc gia, thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.