Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, cùng với sự thăng trầm của thị trường bất động sản (BĐS), phân khúc nhà ở giá rẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Trong năm qua, tại TP Hồ Chí Minh không có dự án nhà ở giá rẻ được mở bán, còn tại Hà Nội số lượng chỉ ở mức “nhỏ giọt”.

Khu nhà ở giá rẻ Ecohome Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Quốc Anh
Thiếu nguồn cung
Anh Trần Xuân Anh, trú tại đường Hòa Bình, phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giữa năm 2019, gia đình anh có nhu cầu mua một căn hộ mức giá dưới 1 tỷ đồng nhưng không tìm được căn hộ nào ở những dự án mới chào bán, trong khi những căn hộ đã qua sử dụng cũng đều ở mức từ 1 tỷ trở lên. Do vậy, gia đình anh đã quyết định mua mảnh đất tại đường Hòa Bình xây nhà cấp 4 để ở. “Giá đất tại khu vực Yên Nghĩa cũng tương đương với giá bán căn hộ giá rẻ đã qua sử dụng. Mua căn hộ đã qua sử dụng nếu muốn bán lại sẽ không dễ dàng nên tôi đã chọn giải pháp mua đất nền mặc dù phải thêm chi phí để xây dựng” – anh Xuân Anh chia sẻ.
Nhà nước nên cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn từ các quỹ dự trữ để làm vốn mồi cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, tạo quỹ nhà ở giá rẻ. Cùng với đó là việc yêu cầu các DN phải thực hiện nghiêm túc quy định sử dụng 20% diện tích tại các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam Đoàn Văn Cương
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, nguồn cung mới phân khúc nhà ở giá rẻ tiếp tục giảm sút, chênh lệch nguồn cung giữa các dòng sản phẩm được nới rộng. Tỷ trọng nguồn cung sản phẩm được chào bán cao nhất là phân khúc nhà ở trung cấp chiếm 67%; phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm 25% tổng nguồn cung chào bán, tiếp đến là phân khúc hạng sang chiếm 6%. Phân khúc bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung. Cụ thể, tại Hà Nội có 101 dự án nhà ở được hoàn thành, gồm: Nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà chung cư thương mại, song chỉ có 3 dự án nhà ở giá rẻ được hoàn thành. Tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều. Cả năm qua, TP này không có bất cứ dự án nhà ở giá rẻ nào được mở bán, tất cả các sản phẩm nhà giá rẻ (mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 – PV) đều được nâng giá thành sản phẩm trung cấp. Một thống kê chi tiết hơn của Công ty CBRE Việt Nam, trong số 25.100 sản phẩm mới được chào bán tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2019, chỉ có trên 600 sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở giá rẻ.
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở giá rẻ trên thị trường vẫn ở mức tương đối lớn. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, sự giảm sút về nguồn cung dẫn đến sự giảm sút mạnh về số lượng giao dịch. Nhiều chủ đầu tư không mặn mà với các dự án nhà ở giá rẻ do vướng mắc về thủ tục hành chính làm tăng thêm những chi phí và lợi nhuận đầu tư nhà ở giá rẻ không cao. 
Cần sớm có kết luận thanh tra
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trong năm 2019, số lượng các dự án nhà chung cư đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lại tại Hà Nội có 58 dự án, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tại TP Hồ Chí Minh chỉ có 47 dự án, giảm 14,1% so với cùng kỳ. Dựa vào các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS, dự báo trong năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng” nhưng sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá tại một số khu vực có quy hoạch, khu vực đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ và khu vực trung tâm đô thị.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, vấn đề liên quan đến tính pháp lý đang có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường BĐS nói chung, dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung của các dòng sản phẩm. “Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc của thị trường BĐS, sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp Nhân dân” – ông Châu cho biết thêm.
Đánh giá chung của các chuyên gia, trong năm 2020, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ vẫn tiếp tục khan hiếm trên thị trường. Nếu những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý không sớm được hoàn thiện thì sau 1 – 2 năm nữa, thị trường sẽ không có nguồn cung mới sản phẩm và Hà Nội sẽ là địa bàn “hết hàng” đầu tiên. Mặc dù nguồn cung sản phẩm nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm trên thị trường nhưng nghịch lý là nhiều dự án xây dựng xong lại không bán được hàng. Lý giải về vấn đề này, Giám đốc thị trường Hà Nội (Công ty JLL Việt Nam) Nguyên Hồng Vân cho rằng, những dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trong thời gian gần đây bị người dân “quay lưng” do chất lượng sản phẩm chưa tốt. “Các nhà đầu tư cần phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm thì mới có thể thu hút được người mua” – bà Vân cho hay.