Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị "cấm cửa"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật các gói thầu chính trên toàn tuyến.

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho biết, hiện có 9/11 gói thầu tại dự án này bị chậm tiến độ vì nhà thầu thiếu vốn, nguồn vật liệu và “ách tắc” trong giải phóng mặt bằng tại một số điểm thi công.

Theo ông Chiến, đến nay, dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật các gói thầu chính trên toàn tuyến. Tất cả 11/11 gói thầu xây lắp chính đã được triển khai. Hiện tại, tiến độ thực hiện lũy kế các gói thầu đạt khoảng 64,3%.
Nhà thầu tiến hành thi công một đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: TTXVN)
Nhà thầu tiến hành thi công một đoạn tuyến cao tốc. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, báo cáo của VIDIFI cũng nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng còn một số tồn tại như đoạn nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Quốc lộ 39 đang “tắc”. Tại Hải Dương, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thanh Hà vẫn chưa trình Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt phương án bồi thường để tiến hành trả mặt bằng (khoảng 800m2) dù theo kế hoạch tháng 6/2014 phải bàn giao mặt bằng nhưng nay còn vướng…

Về phía thi công của các nhà thầu, các gói 5, 7, 8, 9, 10 cũng đang gặp vướng mắc là do nguồn vốn chưa đầy đủ, còn nợ tiền thầu phụ. Mặt khác, đơn vị không chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào để đẩy nhanh tiến độ.

Nhằm “thúc” tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các địa phương phải tạo điều kiện để các mỏ đá ký kết hợp đồng cung cấp với các nhà thầu, ứng vốn ngay cho nhà thầu để tập trung tăng cường lực lượng, máy móc con người, tiền trả lương cho công nhân, nguyên vật liệu.

Với các nhà thầu Trung Quốc ở hai gói thầu 5, 7 chậm thu xếp nguồn vốn, thiếu nhân lực thi công dẫn đến gói thầu chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử nghiêm bằng biện pháp phạt hợp đồng kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ làm việc với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên để gỡ vướng mặt bằng đồng thời, tạo điều kiện cho xe chở vật liệu tới công trường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ có văn bản gửi các nhà thầu xây dựng như: Tập đoàn GS (Hàn Quốc), Tập đoàn cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc), Tập đoàn NamKwang (Hàn Quốc)… đề nghị phải triển khai dự án đúng tiến độ. 

Trong trường hợp các nhà thầu ngoại trên chây ỳ tiến độ và sai phạm trong hợp đồng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ “cấm cửa” không cho tham gia các dự án khác tại Việt Nam, cùng với đó sẽ cấm cửa các tư vấn giám sát kém, đặc biệt, không để chuyện tư vấn giám sát kém dự án này lại nhảy sang làm dự án khác.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị VIDIFI quyết liệt hơn, với những nhà thầu không hoàn thành có thể cắt bớt khối lượng công việc, đưa nhà thầu có năng lực thi công nhằm tăng tốc đưa dự án về đích đúng tiến độ.
 
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được khởi công từ 19/5/2008 với tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 105,5km.

Toàn tuyến có chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35m với sáu làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/giờ, hai làn dừng xe khẩn cấp.

Dự án đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng)