Điều đáng nói, nhiều trường đang gặp khó trong việc sửa chữa, nâng cấp NVS do diện tích chật hẹp, khó khăn về kinh phí.
Quá tải và thiếu ý thức
Hà Nội đang kết hợp với DN, đóng góp của phụ huynh và kinh phí của TP để đưa ra mô hình mẫu cho các công trình phụ, từ đó thống nhất xây dựng, cải tạo lại toàn bộ hệ thống công trình phụ của tất cả trường học trên địa bàn TP, bảo đảm tất cả các trường đều có đủ NVS đạt tiêu chuẩn, dứt khoát không để tình trạng thiếu NVS hoặc NVS mất VS, làm ảnh hưởng đến việc học tập của HS.
Nguyễn Đức Chung |
Khảo sát thực tế cho thấy, NVS của không ít trường ở ngoại thành đang rất xuống cấp. Như Trường Tiểu học Yên Sơn, thôn Quảng Yên (huyện Quốc Oai) có 10 lớp học với trên 300 HS chỉ có một NVS nhưng một nửa khu không có mái che. Hay Trường Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh), giáo viên (GV) vẫn không có khu VS riêng mà phải dùng chung với HS. Hiệu trưởng Vũ Thị Thủy cho biết, ngay đầu năm đã có tờ trình gửi các cấp quản lý để xin kinh phí tu sửa hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm an toàn cho HS vào năm học. Tuy nhiên, hiện cả trường có 2 khu VS, 1 khu nam và 1 khu nữ, dùng chung cho cả GV, HS. “Khu VS xuống cấp, vừa qua, chúng tôi cũng cố gắng lát lại nền, quét vôi ve, thuê nhân công dọn dẹp VS hàng ngày... Dù rất nỗ lực, nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế” – bà Thủy chia sẻ.
Còn tại các trường học nội đô, lại thường xuyên trong tình trạng quá tải, chật chội. Vào giờ ra chơi, với hàng ngàn HS có mặt ở trường, mỗi lớp trung bình vài HS đi VS cũng phải tải khoảng vài trăm lượt sử dụng. Trong khi đó, điều kiện điện, nước NVS lại thường xuyên thiếu thốn, bất tiện. Em Tường Lan Chi – HS lớp 2 Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, ngày nào cũng có các bác lao công dọn dẹp, nhưng NVS vẫn bẩn và có mùi.
Bên cạnh sự quá tải do diện tích, thiếu phòng VS, tình trạng cấp thoát nước, trang thiết bị trong các khu VS sau một thời gian sử dụng nhiều nơi đã bị hư hỏng cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận HS khiến NVS luôn là đề tài “nóng” và là nỗi ám ảnh của nhiều học trò và phụ huynh thời gian qua. Chị Trần Thị Thanh - nhân viên Công ty Hoàn Mỹ làm việc tại Trường THCS Đống Đa cho biết, cả trường có 6 nhân viên làm việc, nhưng công việc luôn quá tải vì phải gồng mình hết cỡ để bảo đảm VS cho nhà trường. “Ý thức của nhiều HS rất kém, rất cần sự dạy dỗ, tuyên truyền mạnh từ thầy cô để HS biết giữ gìn đồ dùng, tài sản công” - chị Thanh nhấn mạnh.
Trao đổi vấn đề này, bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, cả trường có 1.980 HS với 35 phòng học, 18 phòng VS. Khó khăn nhất với các trường tiểu học là HS còn quá nhỏ, đặc biệt HS lớp 1 thì khó để bảo đảm được VS chung. Nhiều HS chưa biết tự phục vụ bản thân. Nhà trường phải thuê 2 nhân viên trực khu VS riêng để bảo đảm NVS khô sạch. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng ý thức được. Sau 3 năm sử dụng, một số thiết bị đã phải thay thế như bồn cầu, vòi nước...
Nhà vệ sinh đẹp như... khách sạn
Sự sạch sẽ, thông thoáng của NVS tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho chúng tôi cách nhìn hoàn toàn mới và choáng ngợp bởi cách trang trí phù hợp, đầu tư hiện đại đẹp như... khách sạn: Toàn bộ thiết bị trong các NVS đều được trang bị theo đúng tiêu chuẩn. Trong NVS luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy VS và nước tẩy rửa. Bên trên bồn rửa tay được trang trí các bình hoa, gương... Nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và có độ thông thoáng cho thấy NVS không thể coi là công trình phụ!
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, quận đã đầu tư hệ thống NVS hiện đại cho các nhà trường, đồng thời triển khai mô hình VS công cộng đại trà trong các trường tiểu học, THCS trong toàn quận, góp phần bảo vệ môi trường sư phạm sáng – sạch – đẹp hơn. Để NVS không là công trình phụ, các thầy cô giáo rất sáng tạo, bày biện hoa, sắp xếp đồ dùng gọn gàng, phù hợp với lứa tuổi, thầy và trò đều có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ tài sản công, giữ gìn VS chung. Bên cạnh đó, trường rất chú trọng giáo dục ý thức HS thông qua hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong các bài giảng...
Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, quận đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016 – 2020, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm chỉ đạo, trong đó, 100% trường tiểu học, THCS được đầu tư NVS hiện đại. Kinh phí quận Thanh Xuân đầu tư xây dựng NVS từ 2,5 - 3,5 tỷ đồng/trường, tùy điều kiện và số lượng HS. Sau khi đưa vào sử dụng, với ý thức bảo vệ môi trường, với NVS hiện đại, các nhà trường phải tự bảo quản.
Có thể thấy, việc các trường có đầu tư hàng tỷ đồng cho khu VS trường học, nhưng sẽ không thể duy trì lâu dài nếu HS không được phụ huynh, thầy cô có biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền về bảo quản, giữ gìn tài sản công cũng như chịu trách nhiệm về VS môi trường trong trường học.
Lộ trình triển khai cải tạo, xây dựng NVS trường học của Hà Nội chia làm 2 giai đoạn. Thứ nhất, từ năm 2016 - 2018, cải tạo những NVS chưa đạt chuẩn; Thứ 2, từ năm 2018 - 2020, tiếp tục rà soát cải tạo NVS cũ, xây mới ở những trường còn thiếu, bảo đảm tất cả các trường đều có đủ NVS đạt tiêu chuẩn, không để tình trạng thiếu NVS hoặc NVS mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến việc học tập của HS. |