Giám đốc Sở được nhà xuất bản chi thù lao hậu hĩnh
Theo tài liệu mà phóng viên Kinh tế & Đô thị có được, nhiều lãnh đạo ở Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh được NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao hậu hĩnh trong nhiều năm, liên quan đến nội dung biên soạn SGK, với tên gọi: “Chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK...”. Trong đó, Giám đốc Sở GD&ĐT vào vai “Trưởng ban chỉ đạo”.
Theo quyết định có tên gọi “Thành lập Ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam” do Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái ký ngày 5/1/2018, việc chi thù lao được chia rất khoa học theo thứ tự cấp bậc, vị trí. Cụ thể, Trưởng ban chỉ đạo – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn nhận mức thù lao cao nhất đến 6 triệu đồng/tháng. Tiếp đến, Phó Trưởng ban – Phó Giám đốc Sở hưởng mức thù lao thấp hơn Trưởng ban 1 triệu đồng/tháng. Các vị trí ủy viên Ban chỉ đạo biên soạn – lãnh đạo Phòng, Văn phòng thuộc Sở hưởng mức thù lao từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng. Quyết định nói trên cũng nêu rõ, các khoản chi này được trích từ “Quỹ đầu tư xuất bản của NXB...”.
“Biểu hiện hợp thức hóa cho và nhận tiền”
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu nhận định, việc NXB chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT chưa có tiền lệ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Theo đó, tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh: “Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của DN, của người tiêu dùng”.
Như vậy, theo phân tích của TS Lê Văn Thiệp, đây là hành vi không đúng pháp luật, không khách quan. Bởi lẽ, nếu các lãnh đạo Sở GD&ĐT hay các cá nhân là những giáo viên có uy tín, có đủ điều kiện về chuyên môn, tham gia biên soạn thì được trả thù lao theo mức độ đóng góp, ở một đơn vị, cơ quan liên quan, khách quan, chứ không nhận thù lao của một NXB, rồi sau đó, NXB lại in sách bán lại cho chính địa phương này. “Ở đây có hiện tượng hợp thức hóa việc đưa và nhận tiền. Thật hài hước khi một NXB lại trả thù lao cho Sở GD&ĐT để soạn sách rồi sau đó lại bán sách cho Sở GD&ĐT đó. Đây là hành vi dấu hiệu bất minh, thiếu khách quan dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc câu kết, hay có sự thỏa thuận, bắt tay này sẽ đưa ra những định hướng cụ thể trong quá trình lựa chọn SGK cho địa phương, từ đó triệt tiêu các đối thủ liên quan, gây thiệt hại cho ngân sách” – TS Thiệp đưa ra nhận định.
Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản
Cùng luận bàn về tình huống này, ông Nguyễn Văn Chiến - Ủy viên Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội nêu: “Trong câu chuyện này, chúng ta cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, qua đó sẽ thấy được họ đã làm đúng bổn phận của mình hay chưa. Ở đây, chúng ta phải trả lời được câu hỏi, chức năng nhiệm vụ của NXB Giáo dục Việt Nam là gì? Họ có thẩm quyền trả thù lao cho các lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh hay không? Đặc biệt trong việc chỉ đạo, biên soạn SGK”.
Bổ sung ý kiến trên, TS Lê Văn Thiệp phân tích, trong chức năng nhiệm vụ của NXB không hề có “nhiệm vụ trả lương hay thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT”. Ông Thiệp nhận định: “NXB này có lẽ nên tập trung vào việc tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành các loại SGK, các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học chứ không phải đi chăm lo đời sống cho Giám đốc Sở GD&ĐT hay các nhân vật liên quan”.
Càng làm ở cơ quan giáo dục càng phải noi gương Tỏ ra bất bình sau khi có được thông tin từ các cơ quan báo chí, GS Đỗ Đức Thái – Chủ biên môn Toán trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới nêu quan điểm: “Việc kết luận đúng sai tôi nghĩ cứ chờ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu sự thật có chuyện NXB lại có dấu hiệu “đi đêm”, trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thì thật sự đáng tiếc. Thậm chí, có thể coi là hành vi tiêu cực, tham nhũng trong ngành giáo dục. Đã làm ở cơ quan giáo dục càng phải noi gương, phải nghiêm túc trong cách hành xử. Tôi mong có sự vào cuộc quyết liệt, khách quan, kịp thời của cơ quan có thẩm quyền để làm rõ các sai phạm nếu có”. |