Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện khó khăn và thách thức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bức tranh kinh tế quý I/2013 chưa thực sự khởi sắc. Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn nhất của hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế. Trong khi các chính sách khác vẫn gây ra những bất ổn tiềm tàng như chính sách về ngoại hối, về vàng và đặc biệt là các chính sách kiểm soát giá, kích thích kinh tế thiếu cơ sở.

 Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng bài phân tích của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về triển vọng và thách thức trong những tháng còn lại của năm 2013.

Khả năng phục hồi chưa rõ

Các số liệu kinh tế vĩ mô chủ yếu của quý I/2013 chưa chứng tỏ xu hướng "đảo chiều" của nền kinh tế khi bước vào năm 2013. Thậm chí, một số chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến khả năng phục hồi tăng trưởng còn ảm đạm hơn.Phân tích cụ thể, hai yếu tố quyết định việc phục hồi tăng trưởng và duy trì ổn định vĩ mô là mức tăng trưởng tín dụng và thu chi ngân sách đều yếu hơn hẳn các năm trước. Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm hầu như bằng không (0,03%), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán năm, còn chi ngân sách, dù Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh rót tiền giải ngân đầu tư từ đầu năm nhưng cũng chỉ đạt 18,5% dự toán năm - Những con số này phản ánh khả năng hấp thụ vốn cực yếu của nền kinh tế.


Nhận diện khó khăn và thách thức - Ảnh 1

Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam.Ảnh: Thanh Thảo

Không chỉ các chỉ số thu chi ngân sách quý I/2013 đều yếu mà tổng mức bán lẻ - chỉ số phản ánh sức mua cũng bị rơi xuống đáy, cho thấy cầu thị trường cực kỳ yếu. CPI tháng 4 vừa công bố, dù tăng 0,02% nhưng cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại âm. Trước đó, CPI tháng 3 cũng bị âm (-0,19%). Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước (5,9%). Trong khi nhiều chỉ số kinh tế cần tăng đang giảm thì lại có một chỉ số khác tăng cao. Đó là số các doanh nghiệp đóng cửa trong quý I/2013 bị đẩy lên 15.300 doanh nghiệp, gần bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới (15.700 doanh nghiệp).

Tình hình kinh tế quý I/2013 phản ánh chính xác “sức khỏe” thực tế không tốt của nền kinh tế. Nó cũng chỉ báo triển vọng khôi phục ổn định và phục hồi tăng trưởng không rõ ràng của nền kinh tế trong năm 2013. Những dự báo “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời hơn. 

Chính sách vĩ mô nặng về hành chính

Những khó khăn kinh tế gần đây cho thấy, không thể coi đây là một tình huống ngẫu nhiên. Cũng không thể cho rằng nó phản ánh một xu hướng bình thường của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Nguyên nhân của tình hình nói trên là ở phương thức điều hành với hai điểm đặc trưng.

Một là khuynh hướng hành chính lấn át, theo đó, việc điều hành vĩ mô nặng về sử dụng các biện pháp hành chính, gần như bỏ qua các biện pháp kinh tế thị trường. Đặc trưng nổi bật của cách điều hành nền kinh tế vĩ mô thời gian qua (có thể tính từ năm 2007, khi nền kinh tế nước ta gia nhập WTO) là nặng về sử dụng các biện pháp hành chính, giật cục, thiếu nhất quán và khó dự báo. Các loại giá cả - giá xăng dầu, giá điện, giá than, lãi suất... được điều hành hầu như hoàn toàn theo cách hành chính - mệnh lệnh. 

Xu hướng chung là nền kinh tế càng bất ổn thì cách điều hành hướng vào xử lý tình thế ngắn hạn như vậy càng "áp đảo". Nhưng do hiệu quả đạt được của cách điều hành này thấp nên chúng càng làm gia tăng tình trạng mất lòng tin của thị trường.Trong vài năm qua, lãi suất được điều hành chủ yếu bằng mệnh lệnh của Ngân hàng Nhà nước thay vì sử dụng các công cụ thị trường (công cụ chính sách tiền tệ). Cơ chế điều hành là "áp đặt" lãi suất huy động trong khi để "tùy định" lãi suất cho vay. Trong hai năm qua, trong điều hành thực tế, sử dụng quyền được quyết định "trần lãi suất huy động", Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động hạ giảm lãi suất huy động xuống mạnh hơn và nhanh hơn lãi suất tín dụng. Nghĩa là về nguyên tắc, trong suốt một thời gian khá dài, cách làm của Ngân hàng Nhà nước thực thi một cơ chế cho phép duy trì khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ít nhất là an toàn, nếu không nói là luôn có lợi cho các ngân hàng trong khi các doanh nghiệp vẫn cứ phải trông chờ lãi suất hạ từng điểm phần trăm để giảm nhẹ gánh nặng lãi suất cao - nợ xấu và giảm thiểu nguy cơ đóng cửa vì không thể tiếp cận vốn do lãi suất vẫn cao.

Tuy cách điều hành lãi suất đó của Ngân hàng Nhà nước dựa vào một lý lẽ có vẻ như rất khó bắt bẻ về mặt nguyên tắc - để hạ lãi suất cho vay thì trước hết phải hạ lãi suất huy động, song thực tế duy trì "độ trễ" của việc giảm lãi suất cho vay so với giảm lãi suất huy động trong suốt một thời gian dài làm cho tương quan lợi ích giữa ngân hàng với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung trở nên khó biện minh: trong khi các doanh nghiệp cần được "cấp cứu" thì ngân hàng vẫn không muốn chia sẻ một phần lợi ích mình thu được với doanh nghiệp; ngân hàng cũng không muốn chịu bất cứ rủi ro nào, trước tiên là rủi ro giảm thấp hay đánh mất lợi nhuận trong khi nền kinh tế và các doanh nghiệp đang lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, đến mức nhiều doanh nghiệp đã phải chịu thua lỗ lớn và phải đóng cửa. 

Cũng phải nói thêm rằng chính sách lãi suất theo hướng giảm lãi suất huy động trước và kéo dài hơn thời gian so với giảm lãi suất cho vay, trong điều kiện nền kinh tế thời gian qua, nếu nhìn tổng thể, còn gây ra hiệu ứng "kép": Một bên là làm suy yếu động cơ gửi tiền vào ngân hàng của xã hội, một bên khác là làm chậm quá trình tiếp cận vốn giá rẻ hơn của các doanh nghiệp. Thứ hai, một rủi ro vĩ mô đáng kể khác do tình trạng thiếu công khai minh bạch về thông tin và do thiếu thông tin gây ra. Mặc dù trong vài năm gần đây, việc công bố các số liệu thống kê đã được cải thiện đáng kể, song trong một nền kinh tế hội nhập, những bước tiến đạt được trong lĩnh vực này vẫn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của quá trình làm chính sách. Đặc biệt là mức độ tin cậy thấp của các số liệu thống kê nợ xấu và số liệu tồn kho bất động sản.

 Không có số liệu đáng tin cậy về nợ xấu và tồn kho bất động sản thì không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề, không thể xác định được nền kinh tế cần bao nhiêu vốn và phải mất đại thể bao nhiêu thời gian để giải quyết triệt để vấn đề. Trong trường hợp này, việc dựa vào những con số không chuẩn để xử lý vấn đề luôn luôn chứa đựng rủi ro và nguy cơ rất lớn cho quá trình phục hồi kinh tế. 

Ưu tiên tái cơ cấu hơn là các giải pháp "tháo gỡ"

Rõ ràng, khi năm 2013 đã đi qua được ¼ quãng đường, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục "nóng" đặt ra yêu cầu phải tập trung tinh lực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nhanh chóng giải quyết hàng loạt vấn đề đang tồn đọng.

Động lực lớn nhất để thay đổi chính là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cải cách doanh nghiệp Nhà nước, giải bài toán độc quyền của khối doanh nghiệp này. Những giải pháp được đưa ra gần đây chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Gói giải pháp về thuế của Bộ Tài chính hầu như chỉ mới quan tâm tới những doanh nghiệp còn khỏe khoắn, còn đang hoạt động và có năng lực đóng góp thuế. Do đó, cần có gói giải pháp tổng thể để cứu doanh nghiệp, tác động tới cả cung và cầu, tới cả phần sản xuất và tiêu thụ. Việc hạ lãi suất và liên tiếp đưa ra các gói tín dụng cho từng đối tượng cụ thể của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua cũng là một động thái tích cực, nhưng những gói cho vay vài ngàn tỷ đồng của ngân hàng hiện nay chỉ như "muối bỏ bể". 

Doanh nghiệp vẫn chưa thể giải quyết vấn đề bởi căn nguyên còn ở cách tiếp cận vốn. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ ít chịu mạo hiểm để mở rộng sản xuất. Bởi vấn đề cần giải quyết hiện nay chính là nợ xấu. Giảm nợ xấu là giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Vài gói cho vay không giải quyết được tất cả vấn đề, chỉ khi nào giải phóng cho doanh nghiệp khỏi gánh nặng tài chính thì thị trường mới bật dậy. Nếu giảm được nợ xấu, thị trường sẽ tự cân bằng. 

Việc thực hiện các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học để lượng cung chỉ vừa đủ, tránh việc nới lỏng thái quá dẫn tới một chu kỳ lạm phát mới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cẩn trọng trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường trên cơ sở có sự kiểm tra, kiểm soát để minh bạch chi phí, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, giữa T.Ư và địa phương, cân nhắc liều lượng và thời điểm điều chỉnh, tránh lặp lại trước đây. Trong dài hạn, để hỗ trợ các doanh nghiệp và để có một nền kinh tế mạnh và bền vững, rất cần thiết phải tái cơ cấu trúc lại tổng thể nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, tái cấu trúc lại các tập đoàn Nhà nước, sớm bình đẳng hóa cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước.