Tuy nhiên, nếu hiểu đầy đủ nội hàm “đô thị xanh”, sẽ nhận thấy hiện nay không có nhiều KĐT đáp ứng đủ tiêu chí “xanh” bền vững. Dù số lượng các KĐT đúng chuẩn “xanh” còn hạn chế, nhưng trong một tương lai không xa, Hà Nội vẫn được nhiều chuyên gia kỳ vọng là một đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại khi cả cộng đồng cùng hiểu và chung tay tạo dựng những KĐT xanh đúng nghĩa.
Những “viên gạch” đầu tiên
Tại Việt Nam , khái niệm về đô thị xanh vẫn được đại đa số người dân hiểu là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước. Khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Thực tế, một số KĐT ở Hà Nội được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể được gọi là “xanh”. Xanh ở đây còn phải là sự kết hợp ngay từ khâu thiết kế và xây dựng theo tiêu chí thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa năng lượng tiêu thụ, cắt giảm sự lãng phí và góp phần xóa bỏ ô nhiễm, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Kinh nghiệm của các nước phát triển khi xây dựng đô thị xanh là trong quy hoạch đều tích hợp quy hoạch xây dựng với sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Hà Nội đang đứng trước vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường sống, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay. Trong đó, không gian xanh đang trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thủ đô, KĐT được coi là tiêu biểu cho kiến trúc xanh vẫn còn là những con số khiêm tốn. Các KĐT chuẩn sinh thái, ngập tràn màu xanh như Vinhome Riverside, Ecopark được đánh giá là “điểm sáng” hiếm hoi. Trên tổng diện tích hơn 180ha, Vinhomes Riverside bao gồm hơn 1.000 căn biệt thự, đặt trong môi trường sinh thái rộng lớn với hơn 60ha dành cho không gian xanh và 50ha dành cho giao thông đô thị. Ecopark được ví như lá phổi xanh khổng lồ ở phía Đông Nam Hà Nội với tỷ lệ cây xanh là 125 cây/người. Đây là những con số mơ ước của bất kỳ người dân, chủ đầu tư hay nhà quản lý đô thị nào đều muốn hướng tới. Tuy vậy, đây là những KĐT chưa mang tính xã hội cao, chưa hướng đến phần đa dân cư, mà mới phục vụ những người có thu nhập cao.
Nói như vậy không có nghĩa các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp không thể áp dụng “kiến trúc xanh”. Trên thực tế đã có những KĐT như Đặng Xá, EcoHome 1, EcoHome 2 thực sự làm hài lòng cư dân khi cho họ niềm tự hào “nhà giá thấp nhưng không rẻ tiền”. Có thể nói EcoHome 1 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Hà Nội áp dụng các giải pháp công trình xanh, tiết kiệm năng lượng. Hệ thống pin năng lượng mặt trời được đầu tư để tạo nguồn điện năng chiếu sáng toàn bộ khu vực công cộng, giúp giảm chi phí vận hành tòa nhà cho cư dân. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tạo nên một công trình bền vững, nhân văn. Cả KĐT được bao bọc bởi một màu xanh mướt chạy dọc hai bên đường, xung quanh các tòa nhà, phủ bóng râm trên khắp vỉa hè, ghế đá. Trẻ em được vui đùa trên những đồi cỏ, khu vui chơi, sân tập, người lớn được đi dạo dưới những tán cây... Chị Minh Ánh (Tầng 9 – E1) chia sẻ: “Mình rất yêu cái không khí thoáng gió và cây cối xanh tươi ở EcoHome. Thật thư thái mỗi khi xuống sân ngồi ghế đá ngắm bọn trẻ tung tăng chơi đùa. Đi một số chung cư, nhiều nơi đắt tiền hơn nhưng thiếu cây cối. Chiều đi làm về, chỉ cần vào cổng là đã thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.
Thực tế, dù chưa hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của một KĐT xanh đúng chuẩn, nhưng những KĐT này đã đặt những “viên gạch” đầu tiên trong công cuộc kiến thiết và xây dựng nên một môi trường sống xanh thật sự mà mọi người dân Thủ đô đều mong muốn được hưởng.
Chung tay để được sống xanh
Một nghiên cứu của Đại học Exeter (Anh quốc) cho thấy, không gian xanh trong các KĐT giúp cho cư dân cảm thấy hạnh phúc hơn, giảm bớt căng thẳng và thỏa mãn với cuộc sống hơn. Theo khảo sát của Công ty Tư vấn đầu tư bất động sản CBRE, rất nhiều gia đình trẻ hiện đang quan tâm tới môi trường sống nơi đó không chỉ có một ngôi nhà để ở mà còn là nơi thư giãn, nghỉ ngơi... Đây được coi là xu thế tất yếu của con người khi ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực của cuộc sống và công việc.
Trên bình diện rộng hơn, Ng San Son – Giám đốc công ty Kiến trúc DP, Singapore nhận định: “Một TP với trình độ công nghệ thông tin phát triển chưa thể gọi là thông minh nếu thiếu chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả. Một khi kết hợp với kiến trúc xanh, môi trường đô thị thông minh mới thực sự trở nên lý tưởng, cuộc sống người dân đô thị được cải thiện, tăng năng suất lao động và giảm tiêu thụ năng lượng. Đó mới là một đô thị thông minh trọn vẹn”.
Để các công trình, KĐT xanh đúng nghĩa ngày càng phát triển, phục vụ phần đa cư dân đô thị, các chuyên gia đều cho rằng cả cộng đồng phải cùng chung tay vào cuộc. Trước tiên, Nhà nước cần đầu tư, khuyến khích các DN sản xuất vật liệu xây dựng sạch, tái chế được các phế thải thành các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Yêu cầu bắt buộc đối với DN xây dựng phải sử dụng vật liệu không nung. Có cơ chế giúp các DN sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn Led hạ giá thành sản phẩm, để từ đó sản phẩm đến tay đại đa số người dân. Xây dựng ý thức cho các nhà đầu tư bất động sản là đảm bảo cuộc sống xanh cho người dân trong các KĐT không chỉ là góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội mà còn là sự gia tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn nhanh chóng khi thu hút nhiều khách hàng, đẩy nhanh khả năng tiêu thụ sản phẩm. Các KTS khi tham gia vào thiết kế các dự án bất động sản phải có sáng tạo, căn hộ cần phù hợp với điều kiện khí hậu và lối sống của người Việt. Đối với chính quyền sở tại, khi các dự án KĐT được duyệt thì phải có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo việc xây dựng đúng quy hoạch. Hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, cần coi những quy hoạch đã được duyệt là một pháp lệnh, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng là quy hoạch đó ảnh hưởng đến môi sinh xã hội, đến vấn đề lớn của TP. Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là mỗi người dân Thủ đô phải xây dựng được nếp sống xanh. Ở đó, mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn và trân trọng từng mảng xanh nơi mình sinh sống. Mỗi ngôi nhà xanh sẽ tạo nên một đô thị xanh bền vững.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây, khái niệm kiến trúc xanh đang được xã hội quan tâm, ủng hộ. Đã có những KTS đi theo xu hướng kiến trúc xanh thiết kế những công trình xanh rất thành công như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những công trình mang tính trình diễn, là cuộc chơi thời trang của các KTS chứ chưa được ứng dụng rộng rãi vào thực tế cuộc sống. |