Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân lực công nghiệp phụ trợ vẫn thiếu và yếu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội nghị "Định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và Kết nối cung - cầu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp ngành CNHT " do Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) phối hợp với Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội (HHT) tổ chức ngày 18/5.

Nhìn vào hiện trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong những năm qua có thể thấy, nhu cầu về sản phẩm CNHT là rất lớn, đặc biệt là khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong bối cảnh KHCN phát triển mạnh, đòi hỏi chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ sẽ ngày càng khắt khe hơn. Tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực được đào tạo CNHT còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong trong lĩnh vực này.
 Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Chính vì thế, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác chuyên gia công các sản phẩm cho khách hàng trong các khu công nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, ông Lê Huy Thức - Tổng Giám đốc PMTT Group cho rằng, nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay muốn tiếp nhận sinh viên ra trường nhưng phải làm việc được ngay. Trong khi sinh viên được đào tạo ở cấp Đại học vẫn thừa, thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến doanh nghiệp rất khó tuyển dụng. “Doanh nghiệp rất khó tuyển dụng nhân công, dù đã trực tiếp “đặt hàng” nguồn sinh viên ra trường từ nhiều trường ĐH, CĐ và dạy nghề nhưng đến nay vẫn thiếu hụt” - ông Thức cho biết.
Nhận xét về nguồn nhân lực cho CNHT nói riêng, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho rằng, chỉ là đào tạo sinh viên ngắn hạn nhưng khi ra trường để làm việc được ngay là một yêu cầu rất khó, trong bối cảnh người lao động chưa có tay nghề. Các khoá ngắn hạn chỉ dành cho những người đào tạo lại, bổ sung hoặc đào tạo nâng cao. Để có nhân sự tay nghề cao, doanh nghiệp cần theo sát quá trình đào tạo dài hạn. Nên có sự hỗ trợ thêm hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hay cung cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo theo số lượng người đăng ký học.
“Hiện các trường, các cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình, dẫn đến nguồn lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhà trường để yêu cầu đào tạo những gì doanh nghiệp cần, điều này đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phụ trợ luôn bị thiếu hụt nguồn nhân lực” - TS. Phạm Xuân Khánh chỉ ra. Đồng thời ông Khánh cho biết thêm, thách thức vô cùng lớn về nguồn nhân lực khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới là nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ tốt ở các nước sẽ di chuyển vào Việt Nam. Đặc biệt những thách thức từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan toả toàn cầu, càng đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam phải có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể, nắm bắt cơ hội từ 4.0 và vượt qua thách thức.
Trong khi đó, để phát triển CNHT, Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng – Chủ tịch CEO N&G Corp nhấn mạnh, cần có những đột phá trong triển khai bằng quyết tâm của các cấp các ngành nhằm cụ thể hoá các chính sách, để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực về tài chính công nghệ, hướng tới sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, ông Hoàng đề xuất đến sự hợp tác hai chiều giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Các trường đào tạo tiến hành khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm. Phía các doanh nghiệp hỗ trợ hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên… có như vậy nhân lực cho CNHT mới thực sự đáp ứng được yêu cầu” – ông Nguyễn Hoàng khẳng định.