Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân Ngày Khí tượng thế giới (23/3): Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực không ngừng, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) đã đạt được những kết quả bước đầu, mang tính đột phá, tạo tiền đề cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Dự báo chính xác các xu thế thời tiết
Những năm gần đây, tình hình thời tiết, KTTV có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, nắng nóng, rét hại và dông, lốc diễn biến thất thường, gây khó khăn hơn cho công tác dự báo. Để ứng phó phù hợp với BĐKH, ngành KTTV đã không ngừng có những đề xuất nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy xã hội hóa, hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước.
 Ngành KTTV có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Ảnh: TTXVN
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, thông tin dự báo, cảnh báo KTTV đã giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, trong năm 2019 - 2020, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, nhất là tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, qua đó giảm thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ bằng 9,6% so với năm 2016.
Năm 2020, một năm thiên tai lịch sử, bão chồng bão, lũ chồng lũ nhưng ngành KTTV đã cảnh báo, dự báo kịp thời, sát diễn biến của 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 21 đợt không khí lạnh; 13 đợt nắng nóng; 18 đợt mưa lớn trên diện rộng; 17 đợt lũ trên phạm vi cả nước, góp phần giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phát triển đồng bộ mạng lưới quan trắc

Mặc dù công tác dự báo đã được cải thiện nhưng diễn biến bất thường của thời tiết vẫn để lại hậu quả nặng nề và Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai do BĐKH gây ra. Trong một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới về “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển Việt Nam”, ước tính 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP) và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông, ven biển.

Nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực có mức độ ngày càng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc cần phải có kịch bản cụ thể trong công tác dự báo thiên tai hàng năm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mạng lưới quan trắc, ngành KTTV cần tìm cách khắc phục khó khăn, tồn tại về mật độ các trạm quan trắc còn thưa chỉ bằng 1/5, 1/10 so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó, ngành KTTV tập trung đầu tư mạng lưới truyền tin hiện đại, số liệu kịp thời và hoạt động ổn định để chủ động trong các tình huống xấu có thể xảy ra.

Trao đổi về vấn đề này, Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, thời gian qua, thay vì được xây dựng, quản lý các trạm quan trắc thì ngành KTTV đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ xã hội hóa mạng lưới quan trắc KTTV. Đến nay, bước đầu đã xuất hiện các trạm đo mưa tự động bằng hình thức xã hội hóa.

"Mục tiêu của ngành KTTV đến năm 2030 sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng, thủy văn, hải văn theo hướng tăng mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra thiên tai liên quan đến bão, nước dâng, sạt lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn." - Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái