Nhiều chuyển biến tích cực
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Anh Đỗ Thị Mỹ Linh cho biết, thực hiện Kế hoạch số 210/2022/KH-UBND của UBND TP Hà Nội và Hướng dẫn số 20/2022/HD-BTV của Ban Thường vụ Hội LHPN TP Hà Nội, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Đông Anh đã xây dựng Hướng dẫn triển khai mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại địa bàn.
Cụ thể, vào tháng 1/2023, Hội LHPN Huyện đã triển khai thí điểm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa). Sau thành công của mô hình thí điểm tại xã Cổ Loa, bước sang năm 2024 Hội LHPN huyện tiếp tục mở rộng triển khai ở tất cả các xã, thị trấn. Qua thực tế cho thấy, các Chi hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: hướng dẫn hộ kinh doanh tại di tích cam kết bán hàng văn minh, không chèo kéo, chặt chém; Cùng với đó là tổ chức ra quân nhiều đợt tổng vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác, ra quân thực hiện tuyến đường văn minh đô thị; chăm sóc và trồng mới cây xanh, hoa... ở những tuyến đường vào các khu tích.
“Một trong những chuyển biến tích cực nhất, đó là thông qua công tác tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích Đình, Đền, Chùa và di tích lịch sử khác trên địa bàn, người dân đều có cách ứng xử văn minh, lịch sự, giữ gìn vệ sinh môi trường; không chèo kéo bán hàng hay đeo bám du lịch... Một trong những công việc quan trọng mà các Chi hội Phụ nữ đã làm được là lắp đặt biển bảng tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử tại tất cả những điểm chính của các khu di tích kiểu mẫu và hình thành tour du lịch quảng bá cho khu di tích của huyện” – Chủ tịch LHPN huyện Đông Anh Đỗ Thị Mỹ Linh cho hay.
Đẩy mạnh huy động nguồn kinh phí xã hội hóa
Cũng theo đại diện lãnh đạo Hội LHPN huyện Đông Anh, giai đoạn 2024 – 2025 Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh Kế hoạch tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng và triển khai mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Trong đó, sẽ tập trung vào những công việc trọng tâm, gồm: Tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, hộ kinh doanh tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử về quy tắc ứng xử nơi công cộng, chú trọng nội dung thuộc Điều 11 của Quy tắc, nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa cá nhân khi đến thăm quan hoặc tham gia kinh doanh các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử;
Biên soạn tài liệu, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động phụ nữ, Nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia xây dựng mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh - Di tích lịch sử kiểu mẫu”; Xây dựng đội ngũ hội viên phụ nữ làm nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, danh lam;
Cùng với đó, Hội LHPN huyện sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ địa phương trong trang phục truyền thống, khi đón tiếp khách du lịch, tham gia lễ hội tại địa bàn; Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hoạt động đảm bảo an sinh - xã hội... Định kỳ 6 tháng 1 lần rà soát, đánh giá việc thực hiện cam kết; đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện cam kết...
“Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các Chi hội Phụ nữ cơ sở có khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử khảo sát, báo cáo cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn xây dựng ít nhất 1 công trình - phần việc thiết thực tại mỗi cơ sở để có điểm nhấn trong thực hiện mô hình (như cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng công trình làm đẹp cảnh quan trong và ngoài khuôn viên di tích...) từ nguồn kinh phí xã hội hoá phù hợp với quy định về quản lý khu di tích; quan tâm gắn biển công trình để tạo động lực, khí thế thi đua của phụ nữ và Nhân dân địa phương” - Chủ tịch LHPN huyện Đông Anh Đỗ Thị Mỹ Linh cho biết thêm.