Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình nông nghiệp giá trị cao

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao đời sống cho người nông dân được xem là mục tiêu then chốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhận thức được điều này, những năm qua, huyện Đông Anh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa giá trị cao.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nghiêm Đình Minh (xã Tiên Dương) mang lại giá trị kinh tế cao.
Ghé thăm trang trại chăn nuôi lợn Minh Hà, ở thôn Trung Oai (xã Tiên Dương), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô của khu sản xuất này. Đang là những ngày đầu mùa Hè, thời tiết khá nắng nóng. Tuy nhiên, khi bước vào khu trang trại, cảm giác nóng nực nhanh chóng được xua tan. Ông Nghiêm Đình Minh - chủ trang trại với quy mô gần 35.000m2 này cho biết, nhằm giữ ổn định sức khỏe cho đàn lợn, ngay từ khâu thiết kế xây dựng, ông đã đầu tư hệ thống làm mát để giải nhiệt vào mùa Hè. Việc chuồng trại được xây dựng khép kín cũng giúp tăng cường khả năng giữ ấm cho đàn lợn trong những ngày mùa Đông thời tiết xuống thấp. Hiện, thu nhập hàng năm từ sản xuất con giống lợn và lợn thịt thương phẩm của trang trại Minh Hà đạt bình quân gần 1 tỷ đồng. Trang trại hiện còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 15 lao động địa phương…

Trang trại của gia đình ông Nghiêm Đình Minh chỉ là một trong khoảng 211 mô hình kinh tế quy mô trang trại, hộ gia đình hiện hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Đông Anh. Có được kết quả trên phải kể tới những trợ lực cần thiết, kịp thời của các phòng, ban chức năng huyện Đông Anh. Tính riêng trong năm 2016, Phòng Kinh tế huyện đã đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ những hộ có nhu cầu về vốn trên 800 triệu đồng để đầu tư mở rộng một loạt trang trại sản xuất đa dạng các ngành hàng nông nghiệp.
Bên cạnh hỗ trợ tư vấn thành lập, quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng năm, địa phương còn tiến hành hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp nói chung trên địa bàn về giống cây trồng, vật nuôi và phòng trừ sâu - dịch bệnh tổng hợp. Đơn cử như trong quý I/2017, huyện đã cấp, phát miễn phí gần 57 tấn giống đại trà và bố trí trên 1,8 tỷ đồng tiền mua thuốc diệt chuột - ốc bươu vàng; đồng thời, hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng triển khai công tác tiêm phòng vật nuôi giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất… Những hoạt động phát triển kinh tế có sự trợ lực của chính quyền các cấp đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống vật chất cho người dân. Thống kê đến tháng 3/2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt gần 43 triệu đồng/năm, riêng khu vực nông thôn đạt khoảng 41 triệu đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 1,8%.

Ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nhấn mạnh: Nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu then chốt trong công cuộc xây dựng NTM tại địa phương. Bởi vậy, bên cạnh tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng nông thôn, việc giải bài toán sản xuất, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Để làm được điều này, huyện sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; nhân rộng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn, có sức lan tỏa. Tiếp tục hỗ trợ người dân trong cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị ngành hàng nông nghiệp. Song hành với tuyên truyền về sản xuất sạch, huyện sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho nông sản nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.