Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. |
Tại huyện Gia Lâm, theo Phó Chủ tịch HND huyện Nguyễn Trần Luân, từ đầu năm 2020 đến nay, Hội đã hỗ trợ nông dân đăng ký chuyển đổi hơn 180ha lúa/màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, hỗ trợ nông dân vay vốn để xây dựng các vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng cao. Ngoài ra, các cấp hội đã phát triển 236 trang trại, gia trại xa khu dân cư; duy trì ổn định diện tích mặt nước hiện có, chuyển đổi 79ha đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Tất cả mô hình đều được sản xuất theo phương pháp an toàn, hữu cơ và đạt hiệu quả khá. Sản phẩm của các mô hình được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ ổn định.
Không chỉ ở huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, phong trào nông dân thi đua sản xuất sạch, an toàn đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Chủ tịch HND TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, sản xuất an toàn là mục tiêu, tiêu chí hàng đầu được Hội triển khai tới từng cấp hội cùng các biện pháp cụ thể hỗ trợ nông dân. Đến nay, các cấp hội duy trì, phát triển 123 mô hình sản xuất theo chuỗi.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Hội hướng dẫn thành lập 6 tổ hội và 2 chi hội nghề nghiệp với 138 thành viên, tập trung là các chi hội nghề, tổ nghề sản xuất nông nghiệp theo phương pháp sạch, an toàn, hữu cơ. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao cần được nhân rộng, phát triển. Qua đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại, bền vững cũng như nâng cao hơn nữa đời sống của nông dân.