Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm: Tăng hiệu quả quản lý từ cơ sở

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm thí điểm xây dựng 8 tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát tại 8 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, đến nay, các tuyến phố đã bước đầu được người dân tin tưởng lựa chọn sử dụng, củng cố hình ảnh, uy tín địa phương. Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong năm 2019, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ATTP và giảm thiểu ngộ độc, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ kiểm tra ATTP tại phố Tô Ngọc Vân - tuyến phố ATTP có kiểm soát của quận Tây Hồ. Ảnh: Chi Lê
Nhiều kết quả tích cực
Ghi nhận tại phố Duy Tân – tuyến phố thí điểm xây dựng mô hình ATTP có kiểm soát tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân sử dụng dịch vụ ăn uống. Chị Nguyễn Minh Anh (trú tại phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy) chia sẻ: “Từ khi biết đây là tuyến phố có sự kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, tôi và gia đình thường xuyên tới đây để dùng bữa vào cuối tuần, vừa gần nhà lại vừa an toàn”. Còn anh Vũ Minh Tâm (trú tại phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) cho biết, khi được thông tin về việc các nhà hàng của tuyến phố đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, anh cảm thấy yên tâm hơn khi giới thiệu cho bạn bè, đối tác đến đây sử dụng dịch vụ ăn uống, tiếp khách.

Tuyến phố ATTP có kiểm soát được TP triển khai ở 8 quận, huyện đầu năm 2018, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và huyện Đan Phượng. Theo báo cáo của Sở Y tế, nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận như: 94,69% các cơ sở dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện thí điểm đã niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết ATTP và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tăng 51,3% so với trước khi can thiệp giám sát; 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.

Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Trần Thu Hương nhận định, việc triển khai các tuyến phố ATTP là hoạt động thiết thực, tạo địa chỉ tin cậy với người dân sử dụng dịch vụ ăn uống, đồng thời nâng cao được hình ảnh, uy tín của địa phương. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhận định, với 8 tuyến phố ATTP được xây dựng thành công, các tiêu chí đưa ra đều đạt từ 90% – 100% thể hiện tinh thần tích cực, trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã và ý thức về ATTP của người dân trên địa bàn TP.

Sẽ nhân rộng thêm 6 tuyến phố

Dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng theo ông Hiền, vấn đề khó khăn nhất đặt ra trong xây dựng tuyến phố ATTP là việc kiểm soát các dịch vụ ăn uống đường phố. Do một số cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất; chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng; một số cơ sở chỉ hoạt động vào buổi tối hoặc đêm, có cơ sở lại đóng cửa, khai trương mới, đổi chủ kinh doanh. Một số thực phẩm chưa có nguồn gốc rõ ràng, cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm, sổ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen vứt giấy ăn vào thùng rác tại quán ăn, gây mất vệ sinh chung. Những điều này cản trở công tác quản lý và thực hiện kiểm soát dịch vụ thức ăn đường phố, đảm bảo các tiêu chí về ATTP.

Trong năm 2019, Sở Y tế dự kiến sẽ thực hiện nhân rộng thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát tại 6 quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội, song song với việc duy trì tốt 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát và tiếp tục tăng cường quản lý có hiệu quả dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các xã, phường. Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, thứ nhất phải có sự chỉ đạo và quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, và tuyến phố. Thứ hai, các quận, huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để có sự đồng tình hưởng ứng, cộng tác của các chủ gia đình, cơ sở và tạo thành phong trào. Thứ ba, các cán bộ y tế ngoài việc nắm chắc quy định, phải kiên trì, có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn thuyết phục chủ cơ sở cải tạo sửa chữa bố trí nơi chế biến, đảm bảo điều kiện ATTP và phù hợp với không gian cơ sở. Đồng thời công tác thanh, kiểm tra phải được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục hơn. Đặc biệt, cơ sở nào vi phạm phải xử lý nghiêm để làm gương.