Theo VietnamWorks, các mảng liên quan đến dịch vụ chuyên nghiệp tăng mạnh về nguồn cung lao động trong một năm trở lại đây từ nửa đầu năm 2018 đến nửa đầu năm 2019. Cụ thể, các ngành y tế/chăm sóc sức khỏe tăng 64%, ngành tư vấn tăng 51% và quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại tăng 29%. Riêng ngành ngân hàng cũng tăng trưởng mạnh về nguồn cung lao động với tỷ lệ tăng trưởng lên tới 65%.
VietnamWorks đề cập tới việc ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất về nguồn cung, ứng viên nhóm này có ý định tìm việc nhiều nhất vào nửa cuối năm, nhưng cũng không thuộc top 10 ngành nghề dự báo có nhu cầu tuyển dụng.
Trước tình hình kinh doanh khởi sắc, cùng triển vọng tăng trưởng lạc quan trong năm 2019 của các ngân hàng kéo theo đó là mở ra cơ hội nghề nghiệp cho những ứng viên yêu thích ngành tài chính - ngân hàng. Tuy vậy, do nhiều người lao vào ngành này dẫn đến tình trạng thừa nhân lực, lao động ngành ngân hàng đối mặt với khả năng khó tìm việc nhất trong các lĩnh vực.
Thực tế nguồn nhân lực ngân hàng đang trong tình trạng thừa cũng thừa mà thiếu thì cũng thiếu.
“Nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng hiện nay đòi hỏi phải có 3 trong 1, bao gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. Nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn chiếm chủ yếu trong lao động ngành ngân hàng hiện nay, có tới 90% có kỹ năng chuyên môn tài chính nhưng lại không có kỹ năng về IT và thiếu hụt ngoại ngữ”- một chuyên gia ngân hàng đánh giá.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cho biết, đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng, còn “hổng” cả về kỹ năng và kiến thức.
Mặc dù mức lương, thưởng khá hậu hĩnh, song với lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro như ngân hàng, nhất là với nhân viên tín dụng, việc thu hút nhân sự giỏi nghề không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch nhân sự, cũng như mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gia tăng như hiện nay.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tổng số nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 300.000 người. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực nắm bắt xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới là không dễ dàng.
Nhiều năm nay, các ngân hàng thương mại vẫn loay hoay với bài toán nhân sự, và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng chạy đua phát triển công nghệ, phát triển ngân hàng số thì thách thức về nhân lực với các nhà băng còn lớn hơn. Các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực lớn hơn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao so với các doanh nghiệp khác. Và khả năng ngân hàng là một trong những ngành đầu tiên khả năng sẽ khó tìm việc và chuyển việc vào nửa cuối năm.