Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân viên y tế trục lợi hàng trăm triệu đồng tiền bảo hiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm của Ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa bị trục lợi.

Con số này đang có xu hướng gia tăng bởi thủ đoạn của các đối tượng chiếm đoạt ngày càng tinh vi hơn. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, với thủ đoạn làm giả hồ sơ để trục lợi tiền bảo hiểm, TAND TP Hà Nội đã đưa hai bị cáo Nghiêm Thị Yến (SN 1990) và Nguyễn Thị Hạnh Trang (SN 1983) – đều là nhân viên của một bệnh viện tại Hà Nội ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngang nhiên làm giả hồ sơ…

Theo truy tố, Yến là nhân viên bảo hiểm và Trang là cán bộ thu ngân của một bệnh viện tại Hà Nội. Do làm cùng cơ quan nên có quan hệ quen biết nhau từ trước. Khoảng đầu tháng 3/2014, Trang có mua bảo hiểm y tế của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prevoir (gọi tắt Công ty Prevoir) cho con gái là Phạm Hải Anh (SN 2011). Sau đó, Công ty Prevoir đã cấp thẻ bảo hiểm cho cháu Hải Anh với thời hạn bảo hiểm từ ngày 24/3/2014 - 23/3/2015. Trong khi đó, vào giữa tháng 3/2013, con gái Trang bị ốm nên phải đưa vào bệnh viện điều trị ít ngày.
Hai bị cáo Nghiêm Thị Yến và Nguyễn Thị Hạnh Trang tại phiên tòa. 	Ảnh: Thiên Bình
Hai bị cáo Nghiêm Thị Yến và Nguyễn Thị Hạnh Trang tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Do cháu Hải Anh bị ốm trước thời điểm được cấp thẻ nên Trang không thanh toán được tiền bảo hiểm. Vì vậy, Trang đã trao đổi và bàn với Yến làm khống hồ sơ bảo hiểm để chiếm đoạt số tiền viện phí của Công ty Prevoir là hơn 9,7 triệu đồng. Để làm được việc này, Trang đã nhờ Yến điều chỉnh ngày giờ trong các giấy tờ (Giấy ra viện, Báo cáo y tế) mang tên Phạm Hải Anh để phù hợp với thẻ bảo hiểm mới được cấp. Sau đó, Yến sửa lại các thông tin trên máy tính đối với ngày nhập viện của cháu Hải Anh rồi in ra đưa cho Trang.

Sau đó, Trang đưa lại các giấy tờ trên cho chồng là Phạm Anh Tuấn (SN 1980) - nhân viên kinh doanh của Bệnh viện Vinmec. Tuấn xin chữ ký của bác sĩ khoa nhi Phạm Khắc Tiệp công tác tại Bệnh viện Vinmec. Bác sĩ Tiệp biết cháu Hải Anh vừa điều trị tại khoa nên đã ký vào các giấy tờ trên mà không biết Yến và Trang đã sửa lại ngày. Sau đó, Tuấn lại mang các giấy này đưa cho Trang để đưa cho hộ lý Bệnh viện Vinmec (Trang không nhớ là ai) đến trình Giám đốc Bệnh viện Virnnec để ký duyệt, đóng dấu và chuyển lại cho Yến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Công ty Prevoir thanh toán số tiền hơn 9,7 triệu đồng.

… chiếm đoạt hàng trăm triệu tiền bảo hiểm

Thấy việc làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền bảo hiểm của Công ty Prevoir dễ dàng, Trang và Yến lại tiếp tục bàn bạc với nhau về việc lập hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khống và giả mạo chữ ký của các bác sĩ để chiếm đoạt tiền của Công ty Prevoir. Cụ thể: Trang sẽ chịu trách nhiệm thay đổi tên trên hóa đơn giá trị gia tăng của những bệnh nhân ra viện nhưng không lấy hóa đơn, còn Yến sẽ làm giả các Giấy ra viện, Báo cáo y tế, Giấy chứng nhận phẫu thuật và thống nhất lấy tên bệnh nhân là Nghiêm Thị Yến và Nguyễn Danh Uyên (SN 1990, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là chồng của Yến) vì hai vợ chồng Yến đều có thẻ bảo hiểm của Công ty Prevoir. Ngoài ra, Yến và Trang còn thỏa thuận số tiền lấy được từ Công ty Prevoir sẽ chia nhau theo tỷ lệ 50/50.

Đến ngày 14/4/2014, trong khi thanh toán viện phí cho bệnh nhân, Trang phát hiện chị Phạm Thị Thu (28 tuổi, ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) đến bệnh viện sinh con nhưng không lấy hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền là hơn 52 triệu đồng. Không bỏ qua cơ hội, nữ nhân viên thu ngân của bệnh viện lập tức rút liền 2 hóa đơn GTGT ra, đồng thời đánh máy tên tuổi, địa chỉ của chồng Yến vào liên 1, liên 3.

Với thủ đoạn tương tự, vào ngày 15/4/2014, chị Ngô Thị Hải Vân (35 tuổi, ở Gia Lâm) cũng vào bệnh viện nơi Trang làm việc để sinh nở. Khi ra viện thanh toán hết hơn 54 triệu đồng, song do không cần dùng hóa đơn GTGT nên sản phụ này không để tâm đến. Nhận được thông tin đó từ nữ thu ngân, Yến đã nhanh chóng bảo Trang ghi tên, tuổi của chính mình vào tờ hóa đơn. Ý đồ của Yến và Trang cũng không gì khác ngoài việc sẽ hoàn tất hồ sơ cho phù hợp với 2 hóa đơn trên để trục lợi tiền bảo hiểm của Công ty Prevoir với số tiền tổng cộng hơn 107 triệu đồng.

Sau khi hoàn thiện 2 hồ sơ giả trên, Yến đã chuyển phát nhanh theo đường bưu điện cho Công ty Insmart để thanh toán tiền bảo hiểm. Đến ngày 29/4/2014, đại diện Công ty Insmart đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec để xác minh thì phát hiện 2 bộ hồ sơ trên có dấu hiệu làm khống và giả mạo chữ ký. Khi bị phát hiện làm giả hồ sơ, Yến đã nhờ chồng là Nguyễn Danh Uyên đến Công ty Insmart xin rút lại 2 bộ hồ sơ trên nhưng Công ty Insmart không cho rút. Đến ngày 5/5/2014, Bệnh Vinmec có đơn tố giác Yến và Trang có hành vi làm khống hồ sơ bảo hiểm, giả mạo chữ ký của bác sĩ Bệnh viện Vinmec để chiếm đoạt tiền bảo hiểm của Công ty Prevoir. Tiếp đó, vào ngày 6/5/2014, Công ty Insmart đại diện cho Công ty Prevoir thanh toán số tiền bảo hiểm cho cháu Hải Anh là hơn 9,7 triệu đồng chuyển vào tài khoản của Trang. Tuy nhiên, do lo sợ việc làm giả hồ sơ bị lộ nên Trang đã chuyển lại số tiền trên cho Công ty Insmart.

Theo một hồ sơ mà phóng viên tiếp cận được, trong khoảng thời gian từ 1 - 16/4/2014, Yến và Trang đã có hành vi làm giả 3 bộ hồ sơ nhằm thanh toán tiền bảo hiểm (gồm: Giấy ra viện, Báo cáo y tế, Giấy chứng nhận phẫu thuật, Hóa đơn thanh toán tiền bảo hiểm của các bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vimec). Sau khi làm giả, Yến và Trang đã chuyển 3 bộ hồ sơ trên đến Công ty Prevoir để chiếm đoạt số tiền hơn 117 triệu đồng. Trong đó, Công ty Prevoir đã thanh toán cho Yến và Trang số tiền hơn 9,7 triệu đồng. Số tiền thanh toán bảo hiểm của 2 bộ hồ sơ còn lại trong khi thẩm định, chưa được thanh toán thì bị Công ty Prevoir phát hiện có gian dối nên đã tố cáo hành vi phạm tội của Yến và Trang. Cơ quan điều tra cũng xác định, việc Yến và Trang chưa chiếm đoạt được số tiền hơn 107 triệu đồng là nằm ngoài ý muốn chủ quan của hai đối tượng này.

Sau khi xem xét lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt hai bị cáo Yến và Trang cùng mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý

Theo các chuyên gia, trục lợi bảo hiểm luôn là vấn đề đối với các DN bảo hiểm. Tỷ lệ trục lợi bảo hiểm càng cao thì hiệu quả kinh doanh của DN càng thấp. Do đó, để chống trục lợi bảo hiểm hiệu quả, các DN bảo hiểm phải có biện pháp ngăn ngừa ngay từ khâu khai thác như giám định, đánh giá chất lượng tài sản không hư hỏng mới chấp nhận bảo hiểm. Và khi có dấu hiệu gian lận, trục lợi bảo hiểm cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để vào cuộc điều tra kịp thời.

Cũng theo các chuyên gia, gian lận bảo hiểm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do đó cần phải được điều chỉnh bằng luật hình sự. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ cần phải sớm có chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả lớn. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác giúp đỡ cơ quan công an để điều tra xác minh làm rõ.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần phải tăng cường phát hiện, điều tra, khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm cũng như tăng cường công tác tuyên truyền cho quần chúng Nhân dân để nâng cao hiểu biết về tác hại của trục lợi bảo hiểm. Đặc biệt, cần phải tạo điều kiện cho DN Bảo hiểm được phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong việc điều tra, khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm; Kiến nghị với ngành y tế trong việc kiểm soát chặt chẽ thông tin người đến khám, chữa bệnh và quy trình quản lý hồ sơ bệnh án.

Để làm được điều này, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần xây dựng được một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng các yêu cầu trong nước và chuẩn mực về phòng, chống trục lợi bảo hiểm. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến bảo hiểm để răn đe và phòng ngừa chung.