Việc ra thông báo trúng tuyển dù chưa tốt nghiệp THPT đã gây ra những cách hiểu khác nhau. |
Ở vị trí đứng đầu ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi Luật Giáo dục có hiệu lực (ngày 1/7), các cơ sở giáo dục sẽ được nâng cao vai trò tự chủ trong đào tạo, tuyển sinh. Tuy nhiên, giới hạn của sự tự chủ sẽ được gắn chặt với trách nhiệm giải trình. Như việc nói đến các kỳ thi riêng để tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, đúng là các nhà trường có quyền đó, ấy nhưng “không phải thích làm gì thì làm”.
Quay lại câu chuyện “thông báo trúng tuyển” khi chưa tốt nghiệp THPT, sự việc của trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã gây những phản ứng trái chiều khi phát đi thông báo này.
Trả lời báo chí, đại diện Vụ Giáo dục đại học khẳng định nhà trường không sai quy chế, do trên thực tế đối tượng tham gia xét tuyển đại học không chỉ có học sinh phổ thông, còn có cả thí sinh tự do, tức là đã tốt nghiệp THPT và là những người đủ điều kiện trúng tuyển và nhập học theo quy định. Ngoài ra, phía nhà trường giải thích rằng, đây là thông báo “có điều kiện”, có nghĩa, thí sinh chỉ nhập học khi đã tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, cả cách trả lời của lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cũng như đại diện nhà trường đều không thấu đáo, rất dễ gây ra những đánh giá trái chiều về công tác tuyển sinh.
Với cách trả lời của đại diện Vụ Giáo dục đại học, cho rằng nhà trường không vi phạm quy chế do có những thí sinh tự do. Thế nhưng, nếu vị đại diện này đọc kỹ tờ thông báo trúng tuyển này sẽ thấy, đây là thông báo trúng tuyển nhưng chỉ được học khi thí sinh nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT - đây chính là trường hợp thí sinh chưa tốt nghiệp THPT. Như vậy có nghĩa, vị đại diện Vụ Giáo dục đại học đang trả lời theo sách, rất chung chung, không đi thẳng vào trường hợp của thí sinh mà trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã gửi giấy báo.
Còn về phía nhà trường, việc giải thích rằng đó là thông báo chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện kèm theo, tức là có xác nhận đã tốt nghiệp THPT. Với cách giải thích này, các chuyên gia pháp lý nhận định, khi chứng minh đúng, tức là phải đúng trong mọi trường hợp. Quy chiếu với tờ thông báo này thấy rõ, đây là “thông báo trúng tuyển” có nghĩa, thí sinh này đã thỏa mãn các điều kiện tuyển sinh của nhà trường để được "trúng tuyển".
“Tôi thấy có sự nhập nhèm ở đây, rất dễ gây hiểu lầm của hội đồng tuyển sinh nhà trường. Nếu nói như cách của đại diện nhà trường, có thể hiểu, dù đã trúng tuyển nhưng cũng có nghĩa thông báo trúng tuyển này chưa có hiệu lực. Cách xây dựng văn bản hay quy chế như vậy là không chuyên nghiệp, nửa vời, thể hiện sự mập mờ trong công tác tuyển sinh” - luật sư Lê Công - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 20 của Quy chế tuyển sinh 2020 quy định về việc thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học: “Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thi sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ các thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học”.
Như vậy, Quy chế khẳng định việc thí sinh khi trúng tuyển đến nhập học chỉ hoàn thiện các "thủ tục cần thiết" chứ không phải hoàn thiện “các điều kiện cần thiết”.