Hàn Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam năm 2017
Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, con số này cũng tiếp tục tăng khi đạt 45,09 tỷ USD. Cho đến nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.
Đặc biệt, thương mại Việt Nam-Hàn Quốc trong năm 2017 đã có sự thay đổi khi Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên nhân chính của thực trạng này là do Hàn Quốc dẫn đầu về lượng vốn FDI vào nước ta và các doanh nghiệp FDI này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 34,41 tỷ USD tăng 46,5% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 15,6% và đạt 41,6 tỷ USD. Theo đó, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc ở mức hơn 24 tỷ USD, gia tăng cách biệt với mức thâm hụt với Trung Quốc, đạt 19,7 tỷ USD.
Cùng với việc Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015, ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi FTA có hiệu lực.
Bằng chứng là tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi từ FTA mới đạt 40%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng C/O để hưởng ưu đãi từ FTA chỉ ở mức 15%.
"Do vậy, đến khi hiệp định này đi vào thực thi, hàng hóa của Hàn Quốc có thể vào Việt Nam ngay bởi hàng hóa của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam thì chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng", ông Phương nhận xét.
Làm thế nào để tăng xuất khẩu sang Hàn Quốc?
Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.
Hiện, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại… sang Hàn Quốc.
Với đặc điểm này, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhiều hơn không chỉ để tận dụng cơ hội mà FTA Việt Nam-Hàn Quốc mang lại mà còn là biện pháp để giảm nhập siêu từ thị trường này, cân bằng cán cân thương mại.
Tuy nhiên, "Hàn Quốc được coi là một thị trường khó tính nhất" cũng là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và là nỗi băn khoăn của nhiều doanh nghiệp.
Ông Lê An Hải cho rằng, khi xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến một số vấn đề như: Chất lượng, mẫu mã, thiết kế, bao bì bởi người Hàn Quốc có tâm lý và định kiến tiêu dùng khi cho rằng hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không bảo đảm vệ sinh và hàng Hàn Quốc là số 1, niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm.
Điều đáng chú ý nhất, hệ thống phân phối của Hàn Quốc khá phức tạp với hàng trăm đại siêu thị, hàng nghìn siêu thị lớn nhỏ, hàng chục nghìn cửa hàng tiện ích và hàng trăm nghìn cửa hàng gia đình đã khiến sự cạnh tranh và hệ thống hóa cao độ kênh phân phối.
"Để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc là phải có đối tác bên trong, tức là đối tác là nhà phân phối ở Hàn Quốc để làm sao đưa sản phẩm vào chuỗi của họ", ông Lê An Hải thông tin.
Trên thực tế, số lượng nhãn hiệu thuần Việt ở thị trường Hàn Quốc chưa nhiều, có chăng chỉ là cà phê G7, phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được phân phối ở những hệ thống phân phối không chính thức, còn trên quầy kệ tập đoàn lớn chưa có nhiều.
Do vậy, ông Hải cho biết, việc tiếp cận được nhà phân phối lớn vừa giúp doanh nghiệp có sự ổn định về đơn hàng, vừa gắn được sản phẩm của mình với thương hiệu, hãng phân phối nổi tiếng của Hàn Quốc, từ đó dần làm được thương hiệu riêng.