Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản: Chủ nhân mới của “chiếc ghế nóng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đúng như dự đoán, cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hôm 29/8 đã diễn ra rất gay cấn.

Sau cuộc bỏ phiếu vòng 2, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda đã giành được 215 phiếu so với 177 phiếu của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda.
 
Theo kế hoạch, trong cuộc họp hôm nay, 30/8, Quốc hội Nhật Bản do DPJ chiếm đa số sẽ bầu ông Noda làm Thủ tướng thứ 6 của nước này trong vòng 5 năm qua.

 

Chính trị gia ghét dối trá

Ông Yoshihiko Noda, sinh năm 1957, đã bước chân vào con đường chính trị với tư cách là thành viên Hội đồng tỉnh Chiba khi mới 30 tuổi. Đến năm 2000, ông Noda mới chính thức gia nhập DPJ và đóng vai trò như một Thứ trưởng Bộ Tài chính khi DPJ dành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9/2009. Tháng 6/2010, chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính bỏ trống do ông Naoto Kan trở thành Thủ tướng đã chính thức thuộc về ông Noda. Trong thời gian nắm quyền, Bộ trưởng Tài chính Noda chủ trương tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với cải cách tài chính, ủng hộ tăng thuế để tái thiết đất nước, kiềm chế nợ công. Sau khi Thủ tướng Kan tuyên bố từ chức hôm 26/8, ông Noda được coi là ứng cử viên sáng giá cho vị trí này nhờ những hiểu biết về các vấn đề tài chính phức tạp mà Nhật Bản đang phải đối mặt, từ việc huy động tiền để tái thiết phía đông bắc bị thảm họa kép, tới việc tái thiết hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Ông Noda nổi tiếng là chính trị gia ghét dối trá, từ chối sử dụng các thủ đoạn chính trị và nổi tiếng với vai trò là một trong những người đứng đầu nhóm Nghị sĩ phản đối cựu Tổng Thư ký DPJ Ichiro Ozawa trong vấn đề gian lận quĩ.

Đối mặt với nhiều thử thách

Trở thành Thủ tướng Nhật - chiếc ghế vốn được các nhà phân tích cho là “nóng” nhất thế giới, đồng nghĩa với việc ông Noda sẽ phải đối phó với rất nhiều thách thức như kinh tế đã rơi vào suy thoái kể từ sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3 vừa qua. Đặc biệt nỗ lực tái thiết đang gặp cản trở lớn khi đồng Yen liên tục tăng giá, gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của nước này. Có thể nói, chưa bao giờ Nhật Bản phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế như hiện nay khi cần nguồn tài chính để tái thiết đất nước thì nợ công của Nhật đã gấp 2 lần GDP. Việc hãng xếp hạng tín dụng Moody's hạ bậc tín nhiệm nợ chính phủ của Nhật Bản xuống Aa3 hôm 24/8 vừa qua là lời cảnh tỉnh cho Tokyo trong việc tái cơ cấu nợ, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của châu Âu. Điều đáng mừng là ông Noda hiểu rất rõ các vấn đề tài chính nóng bỏng mà Nhật Bản đang phải đối mặt, nên các chuyên gia cho rằng: “Việc ông thắng cử đã nhen nhóm hy vọng rằng những cải cách tài chính sẽ đạt được tiến triển” và “là tin tích cực với thị trường trái phiếu”.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, tân Thủ tướng của Nhật Bản sẽ phải tìm cách giải bài toán điện hạt nhân sau khi cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima số 1 đã làm sói mòn niềm tin của dân chúng vào loại năng lượng này. Ngoài ra, ông Noda cũng phải dành nhiều thời gian để khôi phục lại quan hệ đồng minh với Mỹ vốn trở nên căng thẳng sau khi DPJ lên cầm quyền năm 2009 do yêu cầu di dời một căn cứ quân sự Mỹ khỏi đảo Okinawa ở miền nam. Tokyo cũng phải cân nhắc lại mối quan hệ với Bắc Kinh đã bị xấu đi trong năm ngoái do tranh chấp lãnh thổ trên biển nhằm khai thác lợi ích của quan hệ kinh tế song phương đang lớn mạnh.

Nguy cơ từ trong đến ngoài

Đặc biệt, ông Noda sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn là khôi phục được sự đoàn kết trong DPJ và lôi kéo sự hợp tác từ phía các đảng đối lập. Sự thay đổi vị trí Thủ tướng 3 lần kể từ khi DPJ lên nắm quyền từ tháng 9/2009 đến nay đã phần nào cho thấy nội bộ đảng luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn. Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là người đứng đầu DPJ, ông Noda đã kêu gọi sự đoàn kết trong đảng nhằm tìm cách đối phó với những thách thức mà Nhật Bản đang đối mặt. Bên cạnh đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập Sadakazu Tanigaki cũng tuyên bố dự định cải tổ ban chấp hành vào đầu tháng 9 nhằm đối phó tốt hơn với việc DPJ có Chủ tịch mới.