Chiều 8/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do ông Kuniharu Nakamura và ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren, làm trưởng đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu Keidanren. |
Hoan nghênh đoàn sang Việt Nam tham dự Cuộc họp cấp cao khởi động giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (thuộc Keidanren) cũng như vai trò của hai Ngài Chủ tịch trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, trải qua 6 giai đoạn trong hơn 14 năm đã đưa ra 473 vấn đề trong đó 387 vấn đề đã được giải quyết, chiếm 82%, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cho biết Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam, quốc gia đầu tư nước ngoài đứng thứ 2, có lượng khách du lịch xếp thứ 3, Thủ tướng mong muốn Nhật Bản sẽ đứng đầu trên cả 3 lĩnh vực này.
Ông Nakamura bày tỏ, các DN và giới kinh tế Nhật Bản vô cùng vui mừng khi biết rằng tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm TP Hội An, là nơi ghi dấu mối quan hệ sâu sắc với Nhật Bản. Với các DN Nhật Bản, Việt Nam là thị trường tiêu dùng hấp dẫn, đã trở thành cơ sở hết sức quan trọng trong chiến lược về chuỗi cung cấp toàn cầu.
Hai nước đã duy trì mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi và cùng với đó, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản sang Việt Nam tăng mạnh mẽ. Ông Nakamura cho biết, đến cuối tháng 11 năm nay, mức đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,5 tỷ USD với 150 dự án. Dự kiến, đến cuối tháng 12/2017, sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, có hơn 1.700 DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Nakamura cho biết, đến cuối tháng 11 năm nay, mức đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,5 tỷ USD với 150 dự án. |
Chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017, ông Nakamura cho rằng, với nỗ lực của phía Việt Nam, Hiệp định TPP (tên gọi mới là CPTPP) đã đạt bước tiến đáng kể. Đây là nền tảng để duy trì và tăng cường thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, ông Ichikawa cho rằng, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, cần phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường sắt, đường bộ, cảng biển… Ông bày tỏ, các DN Nhật Bản rất mong muốn tiếp tục tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam, mong muốn Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng quan tâm xem xét giải quyết nhanh chóng các vấn đề DN hiện gặp phải trong quá trình đầu tư kinh doanh ở Việt Nam như thủ tục nhập khẩu đối với xe ô tô, vấn đề đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI…
Hoan nghênh và đánh giá cao các DN thuộc Keidanren đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp, làm rõ các vấn đề, trả lời các câu hỏi mà DN đưa ra.
Về tự do thương mại, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế mở, tham gia các hiệp định khu vực và song phương rất rộng lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Tại Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua, Việt Nam đã cùng với Nhật Bản tích cực thúc đẩy Hiệp định TPP. Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do ở khu vực, thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Khẳng định Chính phủ luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng hạ tầng là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam và đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ, hợp tác cùng với Việt Nam thúc đẩy bằng nhiều nguồn lực. Thủ tướng cũng mong các DN Nhật Bản quan tâm đầu tư lĩnh vực này.
Chính phủ Việt Nam mong muốn việc hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản sẽ được nâng lên tầm cao mới, không chỉ giải quyết những kiến nghị của DN Nhật Bản mà còn bao gồm các vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và cần sự hỗ trợ từ phía DN Nhật Bản. Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực, luôn coi Nhật Bản là đối tác thân thiết, gắn bó.