Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản - Fukushima 50 và chuyện sau cánh cổng nhà máy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Không rõ sóng gió đã qua chưa?” - Đó là câu hỏi mà ai cũng muốn đặt ra không chỉ với tình trạng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1

KTĐT - “Không rõ sóng gió đã qua chưa?” - Đó là câu hỏi mà ai cũng muốn đặt ra không chỉ với tình trạng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 mà đối với cả hơn 700 tác nghiệp viên hiện đang làm việc trong môi trường độc hại nhất thế giới này.

Cách đây chừng một tháng, “Fukushima 50” là cụm từ mà báo chí Nhật Bản và quốc tế thường nhắc đến khi nói về những con người quả cảm làm việc trong Nhà máy điện Fukushima.

Mạng tin Asahi Shimbun ngày 16/4 tái bản lần thứ nhất bài viết được đăng năm ngày trước đó nói về công việc và cuộc sống của các “chiến binh Fukushima 50” cũng như những gì đang diễn ra đằng sau cánh cổng của nhà máy.

“Không rõ sóng gió đã qua chưa?” - Đó là câu hỏi mà ai cũng muốn đặt ra không chỉ với tình trạng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 mà đối với cả hơn 700 tác nghiệp viên hiện đang làm việc trong môi trường độc hại nhất thế giới này.

Điều đầu tiên cần nhắc đến là con số 50 tròn trịa mà báo chí quốc tế (ngoài Nhật Bản) nhắc đến. Thực tế, khi lò phản ứng số 2 phát nổ hôm 15/3, hơn 700 người vẫn đang làm việc trong nhà máy được lệnh sơ tán khẩn cấp, để lại khoảng 70 tác nghiệp viên giỏi tiếp tục duy trì hoạt động.

50 “chú lính chì” là con số ban đầu mà Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) công bố trong bối cảnh mối liên hệ giữa nhà máy với bên ngoài thường xuyên bị gián đoạn sau sự cố nổ lò. Vậy là cái tên Fukushima 50 nghiễm nhiên đi vào lòng độc giả bất kể số lượng “lính chì” còn đông đảo hơn thế.

Theo TEPCO, hiện tại Nhà máy Fukushima vẫn duy trì 700 tác nghiệp viên chia thành các bộ phận chuyên trách như Ban Khắc phục, Ban Thông tin, Ban Y tế và Ban Bảo an.

Trong khoảng 10 ngày đầu sau sự cố, các tác nghiệp viên ở lại trong nhà máy với số lượng khá đông nhưng sau đó, do môi trường làm việc ngày càng trở nên khắc nghiệt, gần đây nhà máy phân ca trực theo tỷ lệ 5 làm 2 nghỉ - tức là 5 người làm việc và 2 người nghỉ ngơi. Ngưỡng phơi nhiễm thông thường trong giới hạn cho phép của các tác nghiệp viên nhà máy mỗi năm tương đương 100 milisievert nhưng giờ đây đã nâng lên thành 250 milisiever do yêu cầu đặc biệt của công việc hiểm nguy này.

Dẫu sao thì cái công việc đầy khắc nghiệt còn chưa rõ bao giờ mới kết thúc này đã bước sang tháng thứ hai và các chiến binh Fukushima 50 vẫn tiếp tục cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt - phóng xạ.

“Có lẽ một cuộc chiến mới lại bắt đầu.” - người vợ một nhân viên TEPCO đang làm việc tại nhà máy dẫn câu nói của chồng. Cô cho biết nhiều ngày sau động đất, chồng cô mới ghé về thăm vợ con ở Tokyo.

Người phụ nữ bộc bạch mặc dù về thăm nhà nhưng chồng cô vẫn tiếp tục làm việc từ sáng sớm cho đến tối mịt. Thậm chí, thời gian nói chuyện với vợ con hầu như không có. Người vợ chia sẻ với phóng viên của Asahi Shimbun trong tâm trạng lo âu: “Giờ đây, mọi thứ đã đi vào ổn định nhưng ở đó sức khỏe của anh ấy có ổn không?”

Trở lại hiện trường nhà máy vào những ngày đầu sau sự cố. Không có đủ máy đo bức xạ để giám sát nồng độ phóng xạ, 180 người thường trực vẫn tiếp tục làm việc. Bữa cơm của “lính chì” cũng khá đơn giản, chỉ có bánh mì và nước rau ép cho bữa sáng và đồ hộp với cơm ăn liền cho bữa tối. Nói đến giấc ngủ thì anh em tác nghiệp viên thường gọi với cụm từ hài hước “ngủ tạp” để mô tả cảnh nhiều người cùng nằm ngược nằm xuôi, co quắp trên một chiếc giường. Được biết, hiện nay bữa ăn của anh em đã tăng lên ba bữa một ngày và ngủ cách nhà máy 10km.

Asahi dẫn nguồn tin thân cận trong TEPCO cho biết toàn bộ các tác nghiệp viên giờ đã được trang bị đầy đủ đồng hồ đo bức xạ song không ít người vẫn bày tỏ lo ngại rằng: “Không rõ đến thời điểm này đã hứng bao nhiêu tia phóng xạ vào người?”

Cuối tháng Ba, nồng độ phóng xạ tại “nhà miễn chấn” - cứ điểm tác nghiệp của các “lính chì” kể từ sau động đất và sóng thần - tăng lên rất cao song không ai trong hàng ngũ tỏ ra dao động. Nhà miễn chấn có một bức tường dày và hệ thống điều hòa không khí khép kín giúp không khí không lọt ra bên ngoài. Thay vào đó, TEPCO thường xuyên thay bộ lọc khí nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho nhân viên nhà máy. Cửa sổ của nhà miễn chấn, chỗ quan sát duy nhất, được lắp đặt 77 tấm chì chặn tia gamma, tia bức xạ nguy hiểm có khả năng đâm xuyên mạnh nhất.

Một nhân viên TEPCO được phái đến nhà máy cho biết: “Tôi chỉ muốn mặc ngay áo chì.” Điều này cho thấy nỗi lo phơi nhiễm luôn thường trực trong ý nghĩ mỗi nhân viên nhà máy. Thông thường, nhà máy lắp đặt thiết bị đo phơi nhiễm nội bộ có tên Hall Body Counter nhưng trận sóng thần hôm 11/3 đã làm hỏng thiết bị, buộc nhà máy phải dùng xe đo phóng xạ cơ động.

“Bao nhiêu năm thì các tác nghiệp viên sẽ phát bệnh?” - Luật sư Suzuki Atsushi, từng thụ lý vụ việc của một tác nghiệp viên làm tại nhà máy điện, bày tỏ quan ngại. Ông Atsushi cho biết thân chủ của ông là một nhân viên nam làm công tác điều phối và quản lý trong nhà máy. Sau khi nghỉ việc, ông này đã được chẩn đoán là mắc u tủy xương đa phát và qua đời năm 2007. Tuy được xác định là rủi ro do phơi nhiễm phóng xạ nhưng vụ kiện đòi bồi thường của thân chủ ông đã bị bác bỏ do TEPCO không thừa nhận trách nhiệm.

Luật sư Atsushi cho biết: “Việc xác lập bằng chứng khoa học về quan hệ nhân quả giữa việc phơi nhiễm phóng xạ với việc phát bệnh sau đó là vô cùng nan giải. Giờ đây, những người đang tác nghiệp tại hiện trường có lẽ không đủ khả năng để dự phòng cho bản thân. Do đó, nhà nước và TEPCO cần xem xét nghiêm túc, bổ sung khẩn trương biện pháp dự phòng đầy đủ cho họ.”

Xuất thân của các chú lính chì không chỉ là các nhân viên TEPCO mà còn có các kỹ thuật viên và tác nghiệp viên từ các công ty đối tác và nhà thầu phụ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt này, họ đã thể hiện tình đoàn kết và phối hợp công việc trên cả tuyệt vời.

Ngay sau động đất, phòng họp Công ty chế tạo Hitachi, nhà sản xuất lò phản ứng, vang lên tiếng của người chủ tọa: “Bao nhiêu người sẽ được đưa tới đó (nhà máy Fukushima 1)? Chúng ta hãy đưa ra đối sách!” Một lãnh đạo của công ty này thừa nhận: “Cử nhân viên tới nhà máy là một quyết định nặng nề” và người lãnh đạo, theo ông, phải biết cân nhắc đến nguy cơ tại hiện trường. Kết quả là rất nhiều nhân viên kỹ thuật của được cử tới hiện trường, bổ sung cho hoạt động của các tác nghiệp viên.

Thật cảm động khi được nghe câu chuyện xảy ra ở một công ty xây lắp, nhà thầu phụ tại Fukushima 1. Giám đốc công ty và các nhân viên cao tuổi không ai bảo ai đều ghi danh lên đường tới Fukushima 1. Họ đều tuyên bố: “Chúng tôi có thể tiến hành các thao tác lắp đặt cáp điện dễ dàng.” Lý do khiến họ xung phong lên đường là vì nghĩ cho tương lai của thế hệ trẻ trong công ty, những người đáng ra sẽ phải lên đường làm nhiệm vụ.

Một ngày mới lại bắt đầu và các chú lính chì tiếp tục đặt chân vào “cánh cửa tử” của nhà máy, bỏ lại sau lưng cả nỗi lo âu tột độ của người thân và những lời ca tụng mà họ chưa hề được nghe tới trong suốt một tháng qua.