Dịch bệnh này bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc nhưng đến nay mức độ nghiêm trọng của nó đã giảm. Trong khi đó, tình cảnh của EU thật sự thê thảm. Nhiều nước thành viên EU đã áp dụng biện pháp chính sách đóng cửa biên giới quốc gia với nhau và cấm người nước ngoài nhập cảnh. Italia và Tây Ban Nha đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong khắp cả nước. Đức, Pháp, các nước thành viên khác của EU và cả Anh vừa mới ra khỏi EU trên danh nghĩa đều chưa kiểm soát được dịch bệnh. Trong bối cảnh tình hình như thế, Trung Quốc đã gửi những lô hàng đầu tiên giúp Italy và Tây Ban Nha đối phó dịch bệnh.
Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Italia chỉ chiếm 6,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). |
Sự trợ giúp này của Trung Quốc trên thực tế quá nhỏ nhoi so với nhu cầu của Italia và Tây Ban Nha, nhưng lại có ý nghĩa và tác động chính trị rất đặc biệt. Trung Quốc làm động tác này nhằm đồng thời nhiều mục đích. Trước hết đương nhiên là mục đích nhân đạo. Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ khó khăn bởi dịch bệnh nên đánh giá cao mọi sự trợ giúp quốc tế nhằm đối phó dịch bệnh. Italia và Tây Ban Nha hiện cần sự trợ giúp ấy như Trung Quốc đã cần trong thời gian vừa qua. Nhưng đồng thời với mục tiêu ấy, Trung Quốc còn có thể sử dụng việc trợ giúp này làm thông điệp là Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, đã làm chủ tình hình và đang đẩy lùi được dịch bệnh, cải thiện nhận thức của thế giới bên ngoài về thành quả của Trung Quốc trong đối phó dịch bệnh này.
Bên cạnh đó, sự trợ giúp ấy của Trung Quốc còn làm rõ thực trạng là ngay đến cả những đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Italia và Tây Ban Nha hiện không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như Trung Quốc đều không thấy trợ giúp gì đáng kể cho hai nước này. Phía Mỹ không những không giúp EU chống chọi dịch bệnh mà còn coi EU là nguyên nhân khiến Mỹ bị dịch bệnh. Dịch bệnh là tình huống đặc biệt và trong những tình huống đặc biệt mới bộc lộ rõ và đầy đủ bản chất thật sự của các mối quan hệ quốc tế.