[Nhật ký những ngày sống trong khu phong tỏa ở TP Hồ Chí Minh] Bài 3: Những đám tang không người đưa tiễn

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, người dân TP Hồ Chí Minh phải oằn mình chống chọi. Nước mắt, nỗi buồn, lo toan và cả đau lòng... là những cung bậc cảm xúc mà người Sài Gòn đã phải trải qua thời gian qua. Sống trong một con ngõ phong tỏa, phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị đã ghi lại những cảm xúc rất thực, rất đời trong những ngày TP Hồ Chí Minh gồng mình trong "tâm bão".

Chỉ trong một con hẻm với khoảng 45 căn nhà, trong vòng một tuần đã có 7 người chết. Nhưng vẫn có quá nhiều người cố tình đẩy rào để ra ngoài, dù hẻm đã bị chặn barie.
Chỉ có nhân viên trại hòm được tiếp cận
Sáng 15/8, người nhà Tuyền ở cách nhà tôi 3 căn, đem các vật dụng, đồ sinh hoạt cá nhân và cây gậy của cha Tuyền ra ngoài nhà để bỏ. Nhiều hàng xóm đứng trên lầu nhìn xuống tự hiểu… ông Hưng (SN 1949), đã tử vong.
Gần một tháng trước, sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Tuyền có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên được đưa đi cách ly. Khoảng 2 tuần sau đó, cha mẹ Tuyền cũng mắc Covid-19. Y tế có gọi điện để đưa vô bệnh viện điều trị, ông Hưng xin ở nhà tự cách ly cùng vợ, con. Vài ngày trước, vợ chồng ông Hưng được đưa vào bệnh viện để cấp cứu, nhưng ông không qua khỏi.
 Hẻm 99 Bình Tây, phường 1, quận 6 - TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 1 tuần lễ có quá nhiều người qua đời do Covid-19.
Việc ông Hưng qua đời, cũng như rất nhiều trường hợp khác trong thành phố này là người thân không thể tổ chức đám tang, thậm chí không một ai được phép đưa tiễn ngoại trừ nhân viên các cơ sở mai táng.
Trước đó, vào chiều 26/7, Tùng, bạn tôi gửi đoạn clip một người trong xóm của Tùng ở ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh tử vong. Không hàng xóm nào được tiếp cận, ngoài 4 người mặc quần áo bảo hộ màu xanh khênh xác đi rất nhanh ra ngoài ngõ. Vì thời điểm này, tại các khu phong tỏa, nếu ai lỡ… ra đi thì người thân không được tập trung để chia buồn nhằm chống dịch bệnh, tất cả người “ra đi” đều phải đưa vào lò thiêu Bình Hưng Hòa nếu bị Covid-19. Còn ai mất vì cao tuổi hay các bệnh khác cũng phải có giấy xét nghiệm Covid-19, lúc này cơ sơ mai táng mới làm hợp đồng đưa đi.
Trưa 28/7, Ngọc nhà trong hẻm 99, hiện đang cùng các nhân viên của mình cách ly tại một Bệnh viện vì là F1, nhắn tin: “Anh ơi. Khoảng 10 giờ tối qua nhà 99/16, có 2 người chết do Covid-19. Dì Hương chết tại nhà, bà Kiến chết trong bệnh viện. Dì Hương có nhiều bệnh nên cũng dễ hiểu mùa này… mắc Covid-19 là đi nhanh. Buồn thêm chuyện là anh Thắng lại cách ly ở nhà 2 người vừa chết”.
Thắng nhỏ hơn tôi vài tuổi, nhà số 99/27, trước đó đã được y tế lấy mẫu xét nghiệm chưa biết kết quả ra sao, nhưng Thắng lại sang ở nhà 99/16. Chiều cùng ngày, Ngọc lại nhắn tin: “Anh ơi, có ông nhà đầu hẻm, sát nhà làm thuốc Bắc cũng vừa chết”.
Chỉ trong một ngày, cả hẻm 99 và những nhà ngoài mặt tiền đường xôn xao vì nhận đến 3 tin chết người do Covid-19. Cả 3 cái chết này, không người thân hoặc hàng xóm nào được đưa tang. Tôi cùng gia đình không còn tâm trí để “đếm ca” dương tính SARS-CoV-2. Lúc này mọi người trong nhà ai cũng chung mối lo… sẽ đến ai? Cả gia đình bắt đầu chuyển sang đếm số người tử vong vì dịch, đếm số khu vực bị phong tỏa trên địa bàn phường và quận…
Những tiếng khóc xé lòng…
Sau một tuần có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, ngày 29/7, chị Thắm vẫn ở trong khu cách ly tập trung tại quận 3, tiếp tục được y tế test PCR, lần này kết quả lại… dương tính. Có nhầm lẫn gì trong công tác xét nghiệm không? Bởi trước đó qua zalo, tôi nhận được phản ánh của người quen sống ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về việc gia đình người bạn khi xét nghiệm lúc âm tính, lúc lại dương tính. Chẳng lẽ người có bệnh nhưng không có triệu chứng, khi bị đưa vào các khu cách ly… để điều trị, rồi bị lây chéo dẫn đến có nhiều ca bệnh rồi tử vong?
Sáng 31/7, cả xóm lại tiếp nhận tin sốc: Cha mẹ em Thảo là ông bà Hai Phước ở nhà 99/3 qua đời do Covid-19. Thảo nghe tin, từ quận Bình Tân chạy về nhà để được nhìn mặt cha mẹ lần cuối nhưng không được, vì hẻm đã bị phong tỏa từ 15 ngày trước. Để phòng chống dịch, chỉ có nhân viên cơ sở mai táng được vào bó xác người đã khuất cho vào quan tài chở đi thiêu. Thảo chỉ còn bất lực đứng ngoài hẻm gào khóc, bởi khi dịch chưa bùng phát, cha mẹ em vẫn khỏe mạnh, hàng ngày vào mỗi buổi sáng và chiều, ông bà Hai Phước thường ra ngồi hóng mát bên kia đường đối diện nhà tôi. Thảo cũng thường đến thăm cha mẹ...
Trưa 4/8, nhiều tiếng khóc dậy trời tiếp tục gào lên trong hẻm. Chị Lan - vợ ông Mạnh, mẹ của Thắng qua đời, nhân viên cơ sở mai táng đến nhanh chóng đưa thi thể người vào áo quan. Hình như chính họ, dù đã quá quen với cảnh tượng này nhưng vẫn sợ con virus SARS-CoV-2. Tôi nhớ không nhầm, chị Lan sinh năm 1954, ngày xưa chị thường hay ra nhà tôi, thi thoảng mua cho bố mẹ tôi cân thịt bò, rau xanh… Tín hiệu zalo tiếp tục xanh, em gái ở phường 9, nhắn tin: “Anh ơi, chị Thúy Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận vừa mất vì Covid-19. Chị vừa về hưu được vài tháng, trong đợt dịch này chị cùng nhiều anh chị khác thường đi làm từ thiện. Lẽ nào chị bị lây trong quá trình đi từ thiện”?
Sau 15 ngày cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung ở quận 3, chiều 4/8 chị Thắm được về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi thêm hai tuần vì qua 2-3 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sức khỏe nhà cả nhà đã khá hơn, vợ không còn đau họng, không còn ê ẩm. Vợ chồng em gái cũng đỡ, đặc biệt hai đứa cháu không còn ho hay sốt.
Trong ngày, theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), toàn thành đã có 4.660 khu bị phong tỏa, chỉ riêng quận 6 có 139 điểm trong đó phường tôi có 6 khu phong tỏa gồm hẻm 99 có khoảng 45 căn nhà với tầm 280 nhân khẩu, 12 căn nhà ở mặt tiền đường, trong đó có nhà tôi, 3 nhà ở đường Phạm Văn Chí, gồm: 45A, 45B và 47. Buổi chiều, cả nhà lại tiếp tục lên y tế phường để nhân viên lấy mẫu xét nghiệm PCR theo quy định. Ba hôm sau, thông qua người quen gia đình được biết kết quả, vợ cùng em gái và em rể còn dương tính, cháu Cherry và Bách âm tính, tiếp tục ở nhà tự cách ly.
Sáng 12/8, tôi nhận dòng tin nhắn ngắn như tựa bài báo: “Anh Tư - chồng chị Hồng qua đời. Cả nhà dương tính Covid-19. Cháu Sáng sốt, ở một mình”. Tôi cứ đi qua đi lại tìm điếu thuốc, dù đang bập điếu thuốc trên môi. Anh Tư là em rể anh Tam, nhà trong con hẻm ở đường Bình Thới, quận 11. Tôi nhậu với anh không ít lần. Anh rất hài hước trong các cuộc nhậu. Chiều cùng ngày, lại tiếp tục nhận tin: “Ông Mạnh - chồng chị Lan ở số nhà 99/27 qua đời rồi”…
Tính đến 18 giờ 30 ngày 15/8, theo HCDC tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 4.516 trường hợp nhiễm mới. Còn tính từ đầu đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, toàn TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 149.286 trường hợp nhiễm Covid-19, có hơn 72.800 ca được chữa khỏi, hơn 5.400 trường hợp tử vong. Riêng quận 6 tính đến ngày 11/8, có tổng cộng 171 người mất vì Covid-19, trong đó địa phương tôi cư ngụ có 11 ca.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần