Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật và Trung Quốc muốn đưa Senkaku/Điếu Ngư ra LHQ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Hãng tin Kyodo, thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ đưa vấn đề lãnh thổ đối với đảo tranh chấp ra Liên Hiệp Quốc, trong khi hôm nay, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ trình vấn đề Điếu Ngư/Senkaku lên Liên Hiệp Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang hội đàm tại Tokyo hôm nay đã kêu gọi hai bên kiềm chế. Thủ tướng Noda cũng hối thúc Bắc Kinh có các biện pháp bảo vệ công dân Nhật Bản, đề nghị cả hai bên bình tĩnh giải quyết vụ việc.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba hôm nay tuyên bố Tokyo và Washington đã nhất trí rằng vấn đề tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với nhóm đảo ở vùng biển phía đông Trung Quốc được bảo vệ trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto và ông Panetta hôm nay cũng thảo luận việc hợp tác quốc phòng song phương và triển khai chiến đấu cơ Osprey của Mỹ tại căn cứ quân sự đặt tại Okinawa.

Trong một diễn biến khác, vị đại sứ mới do Chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm tới Trung Quốc - ông Shinichi Nishimiya - vừa qua đời hôm qua 16-9 sau một cơn đột quỵ gần nhà riêng tại Tokyo.

* Tân Hoa xã ngày 16-9 cho hay quan chức Trung Quốc tuyên bố các hoạt động hải giám trên vùng biển đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản vừa hoàn thành thành công, đạt mục tiêu thể hiện tuyên bố chủ quyền.

Nhật và Trung Quốc muốn đưa Senkaku/Điếu Ngư ra LHQ - Ảnh 1
Tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần đảo Điếu Ngư/Senkaku hôm 14-9 - Ảnh: AFP

“Các hoạt động hải giám và thực thi luật pháp này đã thể hiện quyền tài phán của Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư và các đảo nhỏ xung quanh, đạt mục tiêu thể hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và đảm bảo các lợi ích biển đảo của đất nước” - Xiao Huiwu, phó giám đốc Cơ quan giám sát hàng hải Trung Quốc (CMS), nói.

Hai đội tàu hải giám gồm 6 tàu của Trung Quốc đã đến vùng biển đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku sáng 14-9. Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc tuần tra khu vực đảo này sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố các luận điểm về chủ quyền ở đây.

Theo Tân Hoa xã, trong khi các tàu hải giám Trung Quốc hoạt động, có 3 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và 3 máy bay trực thăng của Nhật Bản theo dõi và có các hoạt động can thiệp. Hai bên cảnh báo nhau thông qua sóng radio.

Có những thời điểm tàu của Trung Quốc và Nhật Bản chỉ cách nhau 800m. Các tàu Trung Quốc hoạt động cách đảo Điếu Ngư/Senkaku khoảng 2,5km.

CMS được thành lập năm 1998, hiện có 10.000 nhân viên, hơn 300 tàu và 9 máy bay tuần duyên. Cơ quan này bắt đầu tuần tra các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán kể từ năm 2006.

* Ngày 16-9, người dân Trung Quốc đã biểu tình trên 85 thành phố để phản đối Nhật và có những hành động đập phá các cửa hàng, nhà máy của Nhật Bản trên đất Trung Quốc. Hãng Panasonic đã phải cho ngừng hoạt động tại nhà máy ởThanh Đảo đến ngày 18-9 sau khi nhà máy này bị người biểu tình phá hoại nghiêm trọng.