Cùng với việc cho vay vốn ưu đãi, NHCSXH huyện luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi nhất và hiệu quả nhất góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Ba Vì là một huyện nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, nơi có 31 xã, thị trấn trong đó 7 xã miền núi có tỷ lệ người dân tộc Mường và Dao sinh sống cao, điều kiện giao thông cũng chưa được thuận lợi nên việc đi lại của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Xã có khoảng cách xa nhất tới trụ sở của NHCSXH huyện tại thị trấn Tây Đằng là 37 km. NHCSXH huyện Ba Vì đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân(UBND) các xã, thị trấn thực hiện mở 31/31 Điểm giao dịch tại UBND các xã , thị trấn trên địa bàn huyện.
Tại tất cả các Điểm giao dịch được trang bị đầy đủ từ biển chỉ dẫn, biển điểm giao dịch đến các bảng biểu công khai hoạt động tín dụng chính sách tại xã, thị trấn. Phương tiện phục vụ giao dịch tại xã cũng được trang bị đầy đủ từ máy tính sách tay, máy in, máy đếm tiền, máy phát Wifi, Cammera giám sát…đảm bảo người dân có thể tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các dịch vụ của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã.
Mỗi xã, thị trấn mở một Điểm giao dịch cố định vào một ngày cố định trong tháng, kể cả ngày đó rơi vào thứ bảy hoặc chủ nhật, NHCSXH huyện đều phối hợp với UBND xã, thị trấn, các Hội đoàn thể nhận uỷ thác, các tổ Tiết kiệm và vay vốn(TK&VV) tổ chức giao dịch nhằm cho vay, thu nợ gốc, lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của nhân dân trên địa bàn xã, thị trấn đó.
Có thể nói Điểm giao dịch xã như là nơi để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khơi nguồn cho những khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Ở đó họ được tiếp xúc với cán bộ chính quyền cơ sở, tiếp xúc với cán bộ ngân hàng CSXH, để giãi bày những tâm tư, nguyện vọng trong việc vay vốn để phát triển kinh tế; được tư vấn, trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi và đời sống để họ có thể tự tin, vững vàng vươn lên trong cuộc sống
Phiên giao dịch tại xã Phú Sơn ngày 25/2/2019 |
Mọi công việc liên quan đến vay vốn của NHCSXH đều được thực hiện tại Điểm giao dịch như giao nộp hồ sơ, giải ngân, thu nợ, thu lãi… mặc dù không phải đến ngân hàng nhưng cũng có thể thực hiện được vào ngày 11 hàng tháng tại xã”. Bà Trần Thị Nghĩa - Tổ trưởng Tổ TK&VV tại xã Thuần Mỹ, đã có 15 năm gắn bó với NHCSXH trao đổi “việc giao dịch với ngân hàng tại Điểm giao dịch xã giúp chúng tôi giảm bớt thời gian, giảm chi phí đi lại, chúng tôi nộp tiền lãi, gửi tiền tiết kiệm rất nhanh chóng, thuận lợi”.
Ông Trần Công Chiu - Chủ tịch UBND xã Minh Châu, (một xã ở bãi giữa Sông Hồng, giao thông đi lại rất khó khăn phải đi phà, đò qua sông) cho biết: “Việc NHCSXH mở Điểm giao dịch tại xã đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các xã được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, tiết giảm được nhiều chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân. Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước, ngân hàng về tín dụng ưu đãi được triển khai kịp thời, công khai tại điểm giao dịch, giúp cho chính sách đó đến gần với người dân hơn. Vì vậy UBND xã luôn tạo điều kiện để Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã hoạt động an toàn và hiệu quả”.
Bên cạnh việc giao dịch với khách hàng đạt tỷ lệ cao (trên 99%), chất lượng giao dịch đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ, tại Điểm giao dịch xã, thị trấn còn tổ chức họp giao ban hàng tháng giữa Lãnh đạo UBND xã, các Hội đoàn thể, tổ TK&VV và cán bộ ngân hàng được phân công theo dõi địa bàn xã, thị trấn. Qua đó những vấn đề thuận lợi, khó khăn liên quan đến tín dụng chính sách, đến người vay vốn đều được bàn bạc, công khai, dân chủ và triển khai thực hiện thống nhất, giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ở mỗi địa bàn không những có sự tăng trưởng về số lượng tín dụng mà còn nâng cao chất lượng hoạt động.
Việc tổ chức, duy trì và giao dịch cố định tại Điểm giao dịch xã, thị trấn của NHCSXH huyện Ba Vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện. Điểm giao dịch xã được coi như một ngân hàng thu nhỏ tại các xã, thị trấn từ đó giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội thuận lợi để vay vốn, phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn.