Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh, chủ yếu lây qua đường tình dục

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ ỵếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam.

Sở Y tế Hà Nội đã có Kế hoạch số 4877/KH-SYT về việc tổ chức ''Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 TP Hà Nội'', nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Việt Nam chọn chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”.

Các hoạt động chủ yếu diễn ra trong Tháng hành động: Tổ chức các hội nghị, hội thảo tập trung phổ biến về tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam. Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; người chuyên giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này. Giải pháp vượt qua các thách thức trong đại dịch Covid-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục…

Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện - mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, do các tổ chức cộng đông thực hiện. Các gương điển hình mà người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao đã tham gia hoặc vươn lên làm chủ, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống. Ngoài ra, Hà Nội tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong ''Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS''.

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.

Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,4%. Đặc biệt tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011 lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020). Số MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020. Chủ yếu ở độ tuổi trẻ, là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ ỵếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15 - 24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,6% năm 2021. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này năm 2021 cho thấy 89,8% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6% .