Trung ương cũng đã có chính sách tín dụng ưu đãi và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho tái canh cà phê, nhưng do nhiều bất cập, đến nay người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng này.
Theo cả nông dân và doanh nghiệp cà phê ở Tây Nguyên, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho tái canh cà phê những năm qua rất khó khăn. Thủ tục không thông thoáng, lãi suất còn cao, thời hạn quá ngắn so với thực tế thu hồi vốn là những trở ngại lớn nhất khiến tiến độ tái canh ở các tỉnh không đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Đại Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai, tỉnh Gia Lai, cho biết công ty hiện đang có nhu cầu tái canh 100ha cà phê già cỗi mà chưa vay được vốn.
“Bây giờ Công ty phải đi vay ngân hàng, nhưng việc giải ngân của các ngân hàng là chậm và không đảm bảo được diện tích rồi nhu cầu vốn của công ty. Một vấn đề hết sức quan trọng là lãi suất vay cao và thời hạn thu hồi vốn của các ngân hàng có 6 năm trong khi chu kỳ cây cà phê là 25 - 30 năm. Đây là hai cái khó nhất” - ông Nguyễn Đại Ngọc chia sẻ.Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dành nguồn vốn vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng cho chương trình tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 6 năm triển khai, việc giải ngân mới chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng, chưa đầy 6%.
Ông Đào Minh Tú cũng thừa nhận: “Về vấn đề tái canh cây cà phê thì ngành ngân hàng thấy chủ trương, chính sách rất đúng và đã triển khai 6 năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao và còn rất nhiều vấn đề đặt ra cả về cơ chế, chính sách, kể cả vĩ mô của các Bộ, ngành cũng như của từng địa phương”.
Cà phê là ngành đem lại giá trị kinh tế lớn nhất cho cả khu vực Tây Nguyên. Việc tái canh, thay thế diện tích cà phê già cỗi không đạt tiến độ yêu cầu có ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Để giải quyết những vướng mắc đang gặp phải, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, các Bộ, ngành và chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên, nhất là ngành ngân hàng cần ngồi lại bàn bạc, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.
Theo Thượng tướng Tô Lâm: “Chính sách rất cởi mở nhưng tiếp cận được chính sách thì khoảng cách rất xa. Quan trọng là cơ chế và thủ tục cho vay, thủ tục có khi chặt chẽ quá, tiếp cận của người dân rất khó khăn. Nông dân, các địa phương cũng mong muốn các ngân hàng có cải tiến các thủ tục này để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Cái này phải cần tháo gỡ”.