Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng, tử vong

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tái bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều người ngại đến bệnh viện (BV) vì sợ bị lây nhiễm, dẫn đến những trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do tự điều trị tại nhà.

Gia tăng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, biến chứng nặng
Theo thông tin từ BV Nhi T.Ư, nếu như đầu năm nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của BV chỉ điều trị một vài bệnh nhi mắc SXH thì trong 2 tháng nay, Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 60 ca (đa số bệnh nhi sinh sống ở Hà Nội). Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư cho biết, bệnh nhi mắc SXH có độ tuổi từ sơ sinh đến 10 tuổi. Đáng chú ý, khi trẻ mắc SXH, việc các gia đình tự mua thuốc điều trị cho trẻ vô cùng nguy hiểm. Có những trẻ do tự ý sử dụng thuốc hạ sốt chống chỉ định trong các trường hợp mắc SXH nên khi nhập viện, bệnh tiến triển nặng. May mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong.
 Trẻ bị sốt xuất huyết được điều trị tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, đối với bệnh SXH, việc quan trọng là phải hạ sốt đúng cách, theo dõi sát các dấu hiệu ở trẻ như nôn, tiểu ít, mệt mỏi, kém ăn hoặc xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí lơ mơ, ngủ gà, li bì... phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay.
Trong khi đó, các BV nhi ở TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều trẻ mắc SXH nhưng nhập viện muộn dẫn đến biến chứng sốc, suy hô hấp. Đơn cử, tại BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh hiện đang điều trị nội trú và ngoại trú cho 50 trường hợp mắc SXH, trong đó có 5 trẻ có hội chứng sốc nặng, phải điều trị hồi sức tích cực và 20 - 30 trẻ được truyền dịch, theo dõi biến chứng của SXH. Còn tại BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đang điều trị khoảng 15 - 20 bệnh nhi mắc SXH, trong đó có 3 ca bệnh nặng và rất nặng, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, mấy tuần trở lại nay, tại TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần có 500 - 600 ca SXH. Trong 8 tháng năm 2020, TP đã có 11.999 trường hợp mắc SXH, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Riêng trong tháng 8, ghi nhận 1 bệnh nhân nữ tử vong vì SXH.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Từ đầu năm đến nay, toàn TP Hà Nội ghi nhận 2.201 trường hợp mắc SXH (trong đó có 2 trường hợp tử vong). Hiện một số quận, huyện có số ca mắc SXH cao như: Huyện Phúc Thọ nhiều nhất với 345 ca mắc, tiếp đến là huyện Thường Tín (273 ca), quận Nam Từ Liêm (253 ca), huyện Thanh Oai (216 ca)...
Trước tình hình đó, Đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Tại thời điểm kiểm tra, trên địa bàn quận có 10 bệnh nhân SXH đang điều trị, riêng ổ dịch ở ngõ 360 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa có 2 bệnh nhân. BV đa khoa Đống Đa cũng đang điều trị cho 15 bệnh nhân SXH.
Từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận 435 người bệnh khám ngoại trú và 179 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Số ca mắc tập trung chủ yếu vào tháng 8 và tháng 9/2020.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH trên địa bàn TP giảm so với cùng kỳ các năm trước nhưng qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều đang là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.
Đặc biệt, theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch là từ tháng 9 đến tháng 11. Do đó, các địa phương phải quyết liệt triển khai hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn lưu ý, với dịch SXH, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động đội xung kích diệt bọ gậy, tăng cường hoạt động của tổ giám sát từ quận đến phường.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt sàng lọc, phân loại ca bệnh, không để lây nhiễm chéo trong BV, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu cho công tác cấp cứu, điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong.