Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều câu hỏi chưa được Lee & Man trả lời thỏa đáng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến những vấn đề khiến dư luận bức xúc thời gian qua, nhiều câu hỏi nóng được các phóng viên đưa ra tại buổi họp báo xung quanh việc đầu tư và xử lý nước thải của Công ty Sản xuất Giấy Lee & Man Việt Nam do Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Từ bỏ ngỏ nhiều câu hỏi…

Tại họp báo, đại diện công ty Lee & Man Việt Nam khẳng định cam kết xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, phía công ty vẫn né tránh hoặc bỏ ngỏ, trả lời chung chung nhiều câu hỏi về công nghệ xử lý, báo cáo đánh giá tác động môi trường (DMT) hay số tiền dành cho việc xử lý nước thải… Ông Partrick Chung - Tổng Giám đốc điều hành Công ty Sản xuất Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, nhà máy bột giấy hiện chưa triển khai do gần đây khối lượng cung cầu tương đối ổn định thậm chí có thời điểm cung vượt cầu.
 Ảnh minh họa
Chính vì thế giai đoạn này, công ty chỉ tập trung xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì. Nhà máy sản xuất giấy bao bì với sản lượng 420.000 tấn/năm, vốn đầu tư 280 triệu USD đang được hoàn tất lắp đặt và chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm nay. Với dây chuyền này, nếu chia ra thì mỗi ngày sản xuất hơn 1.000 tấn, chỉ cần 10 - 11m3 nước sản xuất ra 1 tấn giấy. Như vậy, nhiều nhất 1 ngày xả ra khoảng 12.000m3 nước nhưng nhà máy đã xây dựng bể chứa sinh thái tổng cộng 40.000m3 và có khả năng xử lý được 20.000m3 nước thải mỗi ngày.
Trước câu hỏi dư luận lo ngại về việc nước thải của nhà máy xả ra sông Hậu có thể gây ô nhiễm môi trường, ông Partrich Chung thông tin, thiết bị và máy móc xử lý nước thải đều sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Chất lượng nước sau khi xử lý đảm bảo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam, ngoài ra còn xử lý mùi để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trước câu hỏi về báo cáo DTM của nhà máy liệu đã được Bộ TN&MT hoặc Bộ Công Thương thông qua chưa, Đại diện công ty Lee&Man cho biết, Báo cáo DTM năm 2008 của Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy hiện vẫn có hiệu lực. Song hiện nay công ty tách riêng DTM của nhà máy sản xuất giấy và nhà máy sản xuất bột giấy để dễ kiểm soát. Do đó, Công ty sẽ thông qua tư vấn ở Việt Nam để xây dựng DTM đối với nhà máy sản xuất giấy bao bì và sẽ sớm trình cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Khi các phóng viên đặt câu hỏi về việc công ty sử dụng công nghệ xử lý nước thải như thế nào, phía công ty cũng chỉ đưa ra câu trả lời chung chung như sử dụng công nghệ của các nước tiên tiến. Đồng thời, ông Partrick Chung cũng không cho biết cụ thể về số tiền dành cho đầu tư dây chuyền xử lý nước thải và khí thải.

… đến trả lời chung chung

Đưa ra thắc mắc xung quanh việc công ty sử dụng giấy tái chế để sản xuất, nên có thể phải sử dụng một lượng lớn NaOH (hay còn gọi là xút), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đại diện công ty Lee&Man cho biết, Lee&Man chỉ xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì nên việc sử dụng lượng xút rất ít và cho một loại sản phẩm, chủ yếu là điều chỉnh độ PH cho phù hợp.
Nước sau xử lý sẽ được chúng tôi tái sử dụng. Tuy nhiên, phía công ty lại không cho biết rõ cụ thể về lượng nước được tái sử dụng là bao nhiêu. Bên cạnh đó, đại diện công ty cũng bỏ ngỏ câu hỏi, liệu công ty có đóng cửa nhà máy nếu để xảy ra vi phạm và gây ô nhiễm môi trường?

Dù đại diện Công ty Lee&Man khẳng định nước xả thải của nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn và an toàn với môi trường. Đồng thời cam kết tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam. Nhưng đây mới chỉ là thông tin và cam kết của phía công ty. Hiện dư luận vẫn đang chờ đợi kết quả thanh tra toàn bộ của cơ quan chức năng về đầu tư cũng như đảm bảo quy định an toàn về môi trường của công ty này trước khi đi vào hoạt động.