Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn gặp khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, Nhà nước cũng như TP đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ với cộng đồng DN. Vậy, tại sao đến nay, những hỗ trợ này chưa đến được với họ?

Bài 1:  Trăm dâu đổ đầu... doanh nghiệp

Bài 2:  Giảm thủ tục để doanh nghiệp hưởng lợi

Chính sách chưa sát thực tế

Ông Bùi Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty CP chế tạo máy điện Việt Nam - Hungary phản ánh: Tính đến thời điểm này, DN ông chưa được hưởng bất kỳ ưu đãi gì từ Nghị quyết 13/CP ngày 10/5/2012 và Nghị quyết 60/CP ngày 30/7/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường như: giãn nộp thuế VAT, giãn nộp thuế TNDN, giảm 30% số thuế TNDN năm 2012... đối với DN nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, về tiền thuê đất, năm 2010, Công ty ông phải nộp hơn 1 tỷ đồng, đến năm 2011 số tiền này tăng lên thành hơn 3,95 tỷ đồng, cao gấp 4 lần. Số tiền thuê đất biến động quá lớn trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Trong lúc đó, theo Quyết định 2093/TTg về giảm tiền thuê đất trong năm 2011 - 2012 đối với một số tổ chức kinh tế thì DN sẽ được giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm. Tuy nhiên, cũng giống như Công ty CP chế tạo máy điện Việt Nam - Hungary và không ít DN khác, hiện thủ tục xét miễn giảm hết sức phức tạp, nên chưa biết đến bao giờ DN mới được thụ hưởng.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng phòng Quản lý CN (Sở Công Thương) cho biết: Ngày 14/6/2012, UBND TP có quyết định sửa đổi Quyết định 5487 ngày 24/11/2011 quy định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN, trên thực tế mới duy nhất một DN tiếp cận được chính sách này là Công ty CP xích líp Đông Anh, được hỗ trợ 102 triệu đồng. Ngoài ra, rất ít DN đang rà soát hoàn chỉnh hồ sơ để trình TP xét duyệt như Công ty CP ô tô Xuân Kiên, Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ… "Nguyên nhân của hạn chế này là từ năm 2011 đến nay, sản xuất khó khăn, trong khi lãi suất vay quá lớn, hầu hết DN không vay đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu mà chỉ hoạt động theo năng lực hiện có để giữ được người lao động và ổn định sản xuất. Trong khi các tiêu chí đưa ra để DN được hỗ trợ lại rất khắt khe, chẳng hạn phải kinh doanh có hiệu quả, nên DN càng khó có điều kiện tiếp cận" - bà Ngân nhấn mạnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp vẫn gặp khó - Ảnh 1

Phân xưởng lắp ráp ô tô của Công ty CP ô tô Xuân Kiên. Ảnh: Trần Việt

Gỡ vướng bắt đầu từ  thủ tục hành chính

Từ thực tế khó khăn trong hoạt động SXKD, nhiều DN kiến nghị quy định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nên nới rộng đối tượng được thụ hưởng. Đại diện Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ, Công ty CP CN Đông Hưng cho rằng, với những DN có đóng góp nhiều cho TP (100 tỷ đồng/năm trở lên) cần được hỗ trợ vốn vay, kể cả vay vốn lưu động. Hiện, nhiều DN có uy tín đã tiếp cận vốn ngân hàng khá thuận lợi, ngoại trừ khó khăn khi định giá tài sản thế chấp nhưng ngân hàng chỉ cho thế chấp tối đa bằng 1/3 tổng tài sản thực tế, khiến DN không thể đủ vốn cho tái đầu tư. DN cũng chia sẻ, lãi suất vay về tới 12% là họ có thể "sống" được, và mong được vay vốn trong 5 - 7 năm với lãi suất 5 - 7%/năm để đầu tư dài hạn, nhất là với ngành sản xuất cơ khí. Ngoài ra, những DN muốn đầu tư ra tỉnh ngoài cũng mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay và một số hỗ trợ khác như tại Hà Nội.

Về vấn đề giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2011 - 2012, lãnh đạo Công ty CP chế tạo máy điện Việt Nam - Hungari kiến nghị, trong hoàn cảnh DN đang rất khó khăn về nguồn vốn hiện nay, thủ tục miễn giảm thuê đất quá phức tạp, chưa thể làm xong ngay được, các cơ quan chức năng nên xem xét hoàn trả tiền thuê đất nộp thừa năm 2011 bằng cách trừ vào số tiền thuê đất phải nộp của năm 2012.

Thực tế, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ, nhưng do nhiều nguyên nhân nên các DN vẫn chưa tiếp cận được, trong đó không thể phủ nhận rào cản lớn chính là sự phiền hà trong thủ tục hành chính. Bởi vậy, nhiều DN đồng tình với nhận định của ông Đào Đức Thanh, Giám đốc Công ty CP CN Đông Hưng: Thủ tục hành chính đã được cải tiến, nhưng vấn đề là cần có cơ chế giám sát để các sở, ngành thực hiện cho đúng quy định, bởi nhiều khi "nói" và "làm" khác nhau. Cần nhanh chóng đơn giản hóa thủ tục, để DN sớm được thụ hưởng những ưu đãi trước khi tiếp tục gặp khó.

"Đồng hành" cùng DN giải quyết khó khăn trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương vừa có văn bản kiến nghị UBND TP sớm có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho DN ngành CN hỗ trợ; kích cầu để giải phóng hàng tồn kho cho DN sản xuất vật liệu xây dựng; ráo riết chỉ đạo các sở, ban, ngành cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thời gian, thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư cho các DN để tranh thủ cơ hội đầu tư, mở rộng SXKD.